Hôm 22/4 vừa qua, chính quyền Mỹ đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Italia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc được phép mua dầu thô của Iran. Biện pháp này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/5 tới.
Mỹ đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran. |
Động thái mới nhất của Mỹ không những đẩy căng thẳng Washington và Tehran leo thang cực điểm, mà còn "gây khó" cho nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ.
Thị trường dầu mỏ vốn dĩ “nhạy cảm” đã chứng kiến giá dầu thiết lập mức tăng kỷ lục mới của năm 2019, mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2018 ngay trong đầu tuần này sau động thái từ Nhà Trắng. Ngày 23/4, giá dầu WTI tiếp tục tăng 0,3% lên 65,8 USD từ mức 64 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 0,2% lên 74,4 USD/thùng.
Hãng tin RT đã trao đổi với các nhà phân tích để tìm hiểu xem quyết định của Mỹ có thể tác động như thể nào đến sự cân bằng của thị trường dầu mỏ toàn cầu và nước nào sẽ thiệt hại nhiều nhất do lệnh cấm vận đối với ngành dầu mỏ Iran và quốc gia nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Ông Denis Lisitsin - giám đốc quản lý tài sản của Tập đoàn Aerarium Group, nhận định: “Các lệnh trừng phạt chống Venezuela và Iran dường như đang giúp Washington bằng cách hỗ trợ hiệu quả chi phí của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực khai thác dầu đá phiến nội địa”.
Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng sẽ khiến gia tăng lo ngại về tình trạng đầu cơ của giá dầu thô trên toàn cầu.
Các nhà phân tích cho rằng Mỹ thực chất là bên sẽ được hưởng lợi nhiều nếu nguồn cung khan hiếm khiến giá dầu tăng cao.
Chuyên gia Lisitsin nhấn mạnh rằng, việc đẩy giá dầu tăng cao vẫn là một trong những mục tiêu quan trọng của Mỹ. Ngoài ra, Washington được cho là đang tìm cách đưa dầu đá phiến của Mỹ vào thị trường năng lượng toàn cầu, điều này sẽ vô cùng thuận lợi sau khi áp đặt lệnh cấm vận với ngành dầu mỏ Iran.
Trong một quan điểm khá lạc quan, ông Petr Pushkarev – nhà phân tích trưởng của TeleTrade, cho rằng việc Mỹ hủy bỏ quy chế miễn trừ lệnh trừng phạt với các nước mua dầu mỏ Iran sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào đến thị trường dầu thô thế giới nói chung và xuất khẩu dầu mỏ của Iran nói riêng.
Hy Lạp, Italia và Đài Loan(Trung Quốc) đã cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran xuống mức bằng 0, trong khi đó các nhà nhập khẩu lớn khác, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã tận dụng lệnh miễn trừ trừng phạt có hiệu lực từ tháng 11 năm ngoái.
“Ít nhất Ấn Độ và Trung Quốc không lo sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi các nhà xuất khẩu châu Âu khác có thể sẽ tìm các tuyến đường khác để tiếp tục mua dầu mỏ từ Cộng hòa Hồi giáo Iran nhằm tránh các công cụ tài chính nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ”, nhà phân tích Pushkhev nói RT.
Theo nhà phân tích trưởng Roman Blinov tại Trung tâm tài chính quốc tế, trong trường hợp lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đẩy xuất khẩu dầu thổ của Iran về 0, chắc chắn Teheran sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm khắc để trả đũa.
Nhà phân tích Blinov cảnh báo: “Nếu Tehran bị Mỹ cấm vận hoàn toàn, chính quyền Iran có thể sẽ đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tiến hành chặn Eo biển Hormuz, ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Bán đảo Ả Rập, đặc biệt là Ả Rập Saudi và Qatar.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng động thái leo thang căng thẳng như vậy có thể có tác động rất lớn đến xuất khẩu năng lượng của Qatar, Ả Rập Saudi và Kuwait, và nguồn cung dầu toàn cầu có thể phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng nếu điều đó xảy ra./.