Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội nghe thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, sáng 9/6, Quốc hội nghe thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Trình bày báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở Tờ trình số 211/TTr-CP ngày 14/5/2020, Tờ trình số 256/TTr-CP ngày 25/5/2020 và Tờ trình số 282/TTr-CP ngày 05/6/2020 của Chính phủ và tài liệu kèm theo, Báo cáo của Hội đồng thẩm định nhà nước số 3052/BC-HĐTĐNN ngày 11/5/2020, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45, ý kiến của các thành viên Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế báo cáo Quốc hội như sau:
Về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo Tờ trình số 282/TTr-CP, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (Nghị quyết 52). Căn cứ Điều 34 Luật Đầu tư công, cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đó. Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án là đúng quy định.
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số nội dung
Về trình tự, thủ tục, hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư công, hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia phải được gửi đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Tuy nhiên, ngày 14/5/2020, Chính phủ mới có Tờ trình và hồ sơ kèm theo gửi tới cơ quan thẩm tra, do đó, đề nghị rút kinh nghiệm về vấn đề này. Về hồ sơ trình Quốc hội: hồ sơ Dự án cơ bản đáp ứng danh mục tài liệu theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư công về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.
Về sự cần thiết và nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, theo Tờ trình số 282/TTr CP, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và đề xuất chuyển đổi 03 dự án thành phần tại Nghị quyết 52 sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và bổ sung thêm vốn nhà nước vì các lý do sau: Thứ nhất, theo kết quả sơ tuyển, 7/8 dự án thành phần có từ 02 nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 01 dự án thành phần (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh về tài chính. Do đó, mặc dù đã qua vòng sơ tuyển nhưng có thể sẽ khó lựa chọn được nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu do nhà đầu tư khó có thể huy động được nguồn vốn tín dụng. Trường hợp đấu thầu không thành công mới báo cáo Quốc hội xin chuyển đổi hình thức đầu tư thì có thể đến năm 2022 mới triển khai thi công. Thứ hai, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.
 Toàn cảnh Phiên họp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và thống nhất chuyển đổi 03 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 05 dự án thành phần còn lại để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác. Việc lựa chọn các dự án thành phần nêu trên cũng phù hợp khi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó, cần thiết phải chuyển đổi.
Đối với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên do 02 dự án thành phần này có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn. Việc chuyển đổi 02 dự án thành phần này sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cho các dự án thành phần này; đây cũng là 02 dự án kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết (Quốc lộ 1 có 2 làn xe).
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác đề nghị chỉ nên chuyển đổi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, đối với các dự án còn lại cần tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Nghị quyết 52. Tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật PPP nhằm tạo cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng nay lại đề xuất chuyển đổi một số dự án PPP là mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng dự án Luật PPP, nhất là việc đề xuất nội dung này tại cùng kỳ họp xem xét thông qua dự án Luật PPP.
Mặt khác, việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây để chuyển đổi là chưa hợp lý vì 02 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP và đến nay đã được một số nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm. Có ý kiến quan ngại việc điều chỉnh phương thức đầu tư đối với 02 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện được chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.
Về kiến nghị của Chính phủ, đối với kiến nghị giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thành phần trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc sau 6 tháng nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai dự án.
Ủy ban Kinh tế cho rằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia, vì vậy khi điều chỉnh nội dung của Nghị quyết này cần trình Quốc hội xem xét, quyết định, hơn nữa việc thay đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công còn phải cân đối bổ sung vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đây cũng là quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư công. Do đó, kiến nghị nêu trên là chưa phù hợp.
Đối với kiến nghị cho phép cấp quyết định đầu tư dự án trước đây (Bộ Giao thông vận tải) tiếp tục thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư để thực hiện điều chỉnh dự án và các trách nhiệm khác của người quyết định đầu tư. Ủy ban Kinh tế nhận thấy, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 52 và trong quá trình triển khai thời gian qua thì 11 dự án thành phần của Dự án được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư là dự án độc lập theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong trường hợp cả 03 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thì phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Theo đó, thẩm quyền quyết định đầu tư dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ, quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư công.
Trên cơ sở báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trân trọng báo cáo và đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về những nội dung này trong quá trình thảo luận tại tổ và hội trường của Kỳ họp thứ 9./.