Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội Pháp bỏ phiếu công nhận Nhà nước Palestine

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nước châu Âu đang ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn với các chính sách mang tính thù địch của Israel.

Dù mang tính biểu tượng và không có tác động ngay lập tức tới chiến lược ngoại giao của Pháp, song sự kiện này một lần nữa cho thấy sự mất kiên nhẫn ngày càng tăng của châu Âu với một tiến trình hòa bình đang bị ngưng trệ.

Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Pháp, dưới sự thúc đẩy của đảng Xã hội cầm quyền, các đảng cánh tả và bảo thủ đã yêu cầu chính phủ công nhận nhà nước Palestine nhằm chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột.

Phát biểu ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng, chính phủ không bị ràng buộc bởi cuộc bỏ phiếu này. Song tình trạng hiện nay là không thể chấp nhận và Pháp muốn công nhận một nhà nước Palestine độc lập mà không cần thông qua đàm phán nếu vòng đàm phán cuối cùng lại thất bại. 

Ông cũng khẳng định thời hạn 2 năm để khởi động và kết thúc các cuộc đàm phán và Pháp đang làm việc về một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhằm thiết lập những điều khoản này.

Theo ông Fabius, nếu những nỗ lự cuối cùng này nhằm đạt được một giải pháp thông qua đàm phán một lần nữa thất bại, Pháp sẽ buộc phải làm những gì cần thiết thông qua việc công nhận ngay lập tức Nhà nước Palestine.

Trong khi hầu hết các nước đang phát triển đều công nhận Nhà nước Palestine, thì các nước Tây Âu, vốn ủng hộ Mỹ lại cho rằng, một nhà nước Palestine độc lập cần phải được xây dựng dựa trên các cuộc đàm phán hòa bình với Israel.

Tuy nhiên, các nước châu Âu đang ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn với các chính sách mang tính thù địch của  Israel, nhất là sau khi những nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm khôi phục các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine rơi vào thất bại hồi tháng 4 vừa qua.

Chính quyền Palestine cho rằng, các cuộc đàm phán đã thất bại và nước này không có lựa chọn nào khác là phải tiếp tục cuộc đấu tranh nhằm đạt được sự công nhận về một nhà nước Palestine độc lập.

Tháng 10 vừa qua, Thụy Điển đã trở thành quốc gia lớn nhất tại Tây Âu công nhận nhà nước Palestine và Quốc hội Anh, Ireland cũng đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc ủng hộ các nỗ lực của người Palestine.