Quốc hội quyết đến năm 2025, giảm tối thiểu 10% biên chế nhà nước so với hiện nay

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, 28/7, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tổng mức vay trong giai đoạn 2021 - 2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách T.Ư khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.

Theo đó, 479/479 đại biểu Quốc hội (chiếm 95,99% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó quyết nghị, tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, từ thuế, phí khoảng 13 - 14% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu ngân sách nhà nước.
Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước.
Tổng mức vay trong giai đoạn 2021 - 2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách T.Ư khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.
Đẩy mạnh việc rà soát, hoàn thiện đồng bộ cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch.
 Các đại biểu bấm nút thông qua Kế hoạch tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đến năm 2025, giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020…
Nghị quyết cũng quy định rõ các định hướng công tác tài chính quốc gia: khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách thu để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, thúc đẩy tăng thu hợp lý kết hợp nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Đẩy mạnh các biện pháp khai thác dư địa thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, mở rộng cơ sở thuế; từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ… theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, Nghị quyết yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với thực tiễn theo hướng đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý ngân sách nhà nước, tăng vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; thực hiện các giải pháp khả thi để đạt tỷ lệ huy động cao hơn vào ngân sách nhà nước, khai thác các dư địa thu, chống xói mòn và mở rộng cơ sở thuế, đẩy mạnh chống thất thu, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển…