Tổng số chi ngân sách Trung ương năm 2025 được quyết nghị là 1.523.264 tỷ đồng, trong đó: dự toán 248.786 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách (đã bao gồm khoản bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và tăng 917,3 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Nghệ An để thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An).
Dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (đã bao gồm số bổ sung 14.434,4 tỷ đồng để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2025 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023).
Nghị quyết cũng quyết nghị sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước của Trung ương có cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo phê duyệt của các cấp thẩm quyền, Quốc hội cho phép bố trí chi bảo đảm tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản đóng góp theo chế độ quy định, thu nhập tăng thêm, kinh phí chi thường xuyên theo định mức và các nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan, đơn vị này, ngoại trừ Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tại Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn. Đồng thời, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Quốc hội cũng yêu cầu từ năm 2024 thực hiện điều tiết ngân sách Trung ương hưởng 100% đối với số thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) nộp ngân sách Trung ương 100%, đồng thời thực hiện phân chia 65% số thu cho ngân sách Trung ương và bố trí dự toán ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
Quốc hội cũng yêu cầu sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển; ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (gồm cả mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông), lĩnh vực y tế. Phần còn lại ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.
Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước, mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, cơ quan Trung ương, từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách Nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định.