Với trách nhiệm là Thủ đô của cả nước, Hà Nội gánh trên mình trách nhiệm chính trị rất lớn mà không địa phương nào có thể thay thế được. Vì vậy, Hà Nội phải được trao những điều kiện để xứng đáng là thủ đô của cả nước. Hà Nội đã có Pháp lệnh Thủ đô và việc nâng cấp Pháp lệnh Thủ đô lên thành luật là điều đương nhiên trong tiến trình xây dựng luật pháp. Đại biểu Đào Trọng Thi nhất trí, phải trao cho Hà Nội các quy định mang đặc thù riêng thì mới gọi là Luật Thủ đô, nếu không trong các luật hiện hành cũng có cả rồi.
Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. - Ảnh: VGP
Đại biểu Uông Chu Lưu - Thanh Hóa thống nhất, phải có luật Thủ đô. Luật Thủ đô không phải là luật dành cho Hà Nội với tư cách là một đô thị trực thuộc Trung ương, mà luật này sẽ điều chỉnh Hà Nội với tư cách Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Về vấn đề dân cư, hiện Hà Nội đang chịu nhiều áp lực giữa tốc độ gia tăng dân số tự nhiên với hạ tầng xã hội. Luật Thủ đô nếu được ban hành sẽ giải tỏa được vấn đề này. Tuy nhiên, cũng cần kết hợp các biện pháp khác như đầu tư cho ngoại thành, phát triển vùng Thủ đô... Về mối tương quan giữa vị trí các cơ quan trung ương với Hà Nội, dự thảo luật đã xác định như quy hoạch ngành cần thông qua HĐND TP Hà Nội, quy hoạch chung đô thị Hà Nội có khác với các tỉnh, thành khác vì phải trình Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều đại biểu đề xuất, trong Luật Thủ đô cũng nên quan tâm thêm đến cơ chế đặc thù về bộ máy chính quyền và công dân thủ đô. Chính quyền cần có thể chế đặc biệt và chất lượng công dân cũng cần lựa chọn.
Làm rõ hơn về sự cần thiết của Hà Nội về các cơ chế, chính sách đặc thù, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, Thủ đô của mỗi nước chỉ có một, dù sắp tới đây chúng ta có sửa đổi Hiến pháp hay xây dựng Luật Đô thị thì những bộ luật này cũng không thể nào bao chứa hết được những nội dung cần thiết cho Thủ đô với vai trò là trrung tâm chính trị hành chính quốc gia. Hà Nội cần có quy định riêng, vì Hà Nội khác những nơi khác, Hà Nội là thủ đô, là nơi đặt trụ sở của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan ngoại giao, là nơi diễn ra các hoạt động chính trị lớn của cả nước và quốc tế. Nếu được thông qua, Luật Thủ đô cũng không hề vi hiến vì chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước, bản thân những luật đã thông qua vẫn được rà soát điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Hơn nữa, luật do Quốc hội thông qua thì hoàn toàn hợp hiến.
Theo chương trình, dự án Luật Thủ đô sẽ tiếp tục được các đại biểu thảo luận tại Hội trường vào ngày 5/11 tới.