Mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại Tổ.
Bản báo cáo giải trình chi tiết của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội trong đã được các đại biểu ghi nhận đánh giá cao về việc tiếp thu chỉnh lý trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cử tri cả nước và đại biểu quốc hội.
Lời nói đầu được các đại biểu cơ bản tán thành song đề nghị cần thể hiện rõ hơn, thuyết phục hơn, mang tính hiệu triệu, kêu gọi. Đa số ý kiến cũng tán thành quy định về chế độ chính trị tại Chương 1 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Liên quan đến Điều 4 của Dự thảo quy định về vị trí vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992- ông Phan Trung Lý giải trình về lý do không bổ sung cụm từ “Duy nhất” vào sau cụm từ “lực lượng lãnh đạo” tại khoản 1, quy định rõ cơ chế Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Một số vấn đề tiếp tục được các đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến là quy định về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, mô hình chính quyền địa phương, chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, vấn đề thu hồi đất.
Vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp là điểm mới tiến bộ của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, tạo hiệu ứng lên tiếng đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội trong thời gian qua. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) cho rằng sự kiểm soát lẫn nhau này là cần thiết và tất yếu. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng, nội dung này chưa được quy định cụ thể tại những điều luật liên quan khác trong dự thảo.
Đề cập việc bổ sung một số thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại chương 5, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng là không phù hợp khi giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền lãnh đạo công tác của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội là đã hành chính hóa bộ máy của Quốc hội, dễ làm hạn chế tính đại diện, tính độc lập, chủ động của các cơ quan của quốc hội. Đại biểu Phùng Văn Hùng không đồng tình với báo cáo giải trình đề nghị giữ nguyên như quy định tại Hiến pháp hiện hành.
Nhất trí với việc đưa thiết chế kiểm toán nhà nước vào quy định tại Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992, song một số đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 108 về nhiệm vụ kiểm toán, dự toán ngân sách nhà nước cho cơ quan kiểm toán nhà nước và quy định rõ nhiệm kỳ của kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) bày tỏ sự quan tâm chương 9 quy định về chính quyền địa phương. Đồng tình với sự cần thiết phải phân biệt các loại chính quyền song phân biệt về thẩm quyền khác với phân biệt về tổ chức, đại biểu Phạm Đức Châu đề xuất khoản 1 Điều 111 được thể hiện là “chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thẩm quyền nhiệm vụ phù hợp đặc điểm nông thôn và đô thị, việc tổ chức chính quyền ở hải đảo và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do luật định”.