Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi)

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (20/6), Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), với 90,16% đạt biểu tán thành. Luật Công chứng (sửa đổi) được thông qua gồm: 10 Chương và 81 Điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12015.

Phạm vi điều chỉnh của Luật là quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

Trước khi thông qua Luật công chứng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật. Ảnh TTXVN
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật. Ảnh TTXVN
Theo đó, về người được miễn đào tạo nghề công chứng (Điều 10), tiếp thu ý kiến của các đại biểu và căn cứ thực tế, UBTVQH đề nghị chỉnh lý lại quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 theo hướng chỉ miễn đào tạo nghề công chứng cho người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên (tương đương với thời gian tối thiểu là 10 năm công tác tại các cơ quan tư pháp).

Đối với việc không nên miễn hoàn toàn việc tập sự hành nghề công chứng cho những người đã được miễn đào tạo nghề, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý lại khoản 3 Điều 10 của dự thảo Luật theo hướng những người được miễn đào tạo nghề công chứng chỉ được giảm một phần hai thời gian tập sự hành nghề công chứng so với các trường hợp bình thường khác, nghĩa là vẫn cần tập sự 6 tháng trước khi được bổ nhiệm làm công chứng viên; đồng thời đề nghị chuyển nội dung này sang Điều 11 về tập sự hành nghề công chứng.

Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên, dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu kỳ họp đã đưa ra hai phương án: Phương án 1, không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng. Phương án 2, công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các Phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi.

Qua thảo luận, ý kiến của đại biểu QH về vấn đề này còn chưa thống nhất cao. Vì vậy, UBTVQH đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến đại biểu QH về nội dung này. Kết quả tổng hợp phiếu cho thấy, có 293/393 đại biểu QH (chiếm 74,6% số phiếu thu về và 58,8% tổng số đại biểu QH) đề nghị thực hiện theo phương án 1 là không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng trong Luật này; 85/393 đại biểu (chiếm 21,6% số phiếu thu về và 17% tổng số đại biểu QH) tán thành phương án 2.

Trên cơ sở này, UBTVQH xin phép QH cho tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu QH bỏ quy định về tuổi hành nghề công chứng trong dự thảo Luật này. Nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động, Luật viên chức và các văn bản pháp luật khác có liên quan tương tự như đối với các nghề nghiệp, chức danh tư pháp khác.

Về chuyển nhượng Văn phòng công chứng (Điều 29), tiếp thu ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng Văn phòng công chứng để tránh việc lợi dụng xin phép thành lập Văn phòng công chứng rồi chuyển nhượng ngay để thu lợi, UBNVQH đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và bổ sung vào khoản 1 Điều 29 nội dung: “Văn phòng công chứng chỉ được chuyển nhượng khi đã hoạt động công chứng được tối thiểu là 02 năm.”

Ngoài các vấn đề trên, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội để rà soát, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.