Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều nay, 11/1, Quốc hội khóa XV đã tán thành với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

So với Dự án Luật trình Quốc hội ở đầu Kỳ họp, Luật này đã bổ sung việc sửa đổi Luật Nhà ở. Việc Quốc hội thông qua 1 luật sửa đổi 9 luật tại Kỳ họp lần này, nhất là trên lĩnh vực đầu tư được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt, đẩy nhanh quá trình triển khai các nguồn vốn đầu tư.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết,  với Luật Đầu tư công, Quốc hội thống nhất sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 17: Sửa đổi, bổ sung điểm b và điểm c khoản 4 như sau: “Chương trình, dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trừ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12 sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12: “Dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng một hoặc một số nguồn vốn sau: Vốn ngân sách Trung ương do bộ, cơ quan Trung ương quản lý; vốn vay ODA; vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở: “Có quyền sử dụng đất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản này mà việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật”.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu: Bổ sung Điều 33a vào sau Điều 33: “Các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi. Việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi”.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 4: “Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực.

Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng”.

Quang cảnh Kỳ họp
Quang cảnh Kỳ họp

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp: Sửa đổi, bổ sung tên điều và đoạn mở đầu Điều 50, khoản 3 như sau: “Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng thành viên đã tham dự và đồng ý thông qua biên bản họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp. Người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng thành viên. Chủ tọa, người ghi biên bản chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với doanh nghiệp do từ chối ký biên bản họp theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan”.

Bên cạnh đó, còn sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp như sau: “Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm, bao gồm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có); việc công bố phải thực hiện trước ngày 31 tháng 7 hằng năm”. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 217 như sau: “Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật này nắm giữ 100% vốn điều lệ”.

Với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 4 Mục I của Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 7 của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự liên quan ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản.