Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thông qua Luật Tiếp cận thông tin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/4, với 88,46% đại biểu Quốc hội trên tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tiếp cận thông tin.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn thể Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 5 về quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân với 91,09% đại biểu tán thành; Điều 17 về quy định thông tin phải được công khai với 87,85% đại biểu tán thành; Điều 28 về từ chối yêu cầu cung cấp thông tin với 87,85% đại biểu tán thành.
Quốc hội thông qua Luật Tiếp cận thông tin - Ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội thông qua Luật. Nguồn: Quochoi.vn.
Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018, Luật quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Luật quy định về nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Đồng thời có quy định riêng về thông tin công dân không được tiếp cận như: Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật; Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này; Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ.

Trước khi thông qua, trình Quốc hội báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày cho biết: Về thông tin công dân không được tiếp cận, có ý kiến đề nghị sửa tên điều thành “thông tin bị hạn chế tiếp cận" hoặc "thông tin được tiếp cận hạn chế", vì những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác… vẫn có một số đối tượng được tiếp cận. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thông tin công dân không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của Dự Luật là loại thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế… Loại thông tin này được quy định là thông tin mật và chỉ một số ít đối tượng được tiếp cận với tư cách là người thi hành công vụ chứ không phải là  tư cách công dân. Hơn nữa, việc tiếp cận, sử dụng và quản lý tin mật được quy định trong các văn bản pháp luật khác theo quy trình, thủ tục rất chặt chẽ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật.

Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với các cơ quan nhà nước ngoài việc cung cấp thông tin do mình tạo ra, thì còn phải cung cấp thông tin do mình nắm giữ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình: Để bảo đảm tính khả thi của Luật, tính chính xác của thông tin được cung cấp cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước và không tạo kẽ hở cho việc lạm dụng yêu cầu cung cấp thông tin, dự thảo Luật quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm (bắt buộc) cung cấp thông tin do mình tạo ra. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định khuyến khích cơ quan nhà nước tùy theo điều kiện, khả năng thực tế của mình có thể cung cấp thông tin khác do cơ quan mình tạo ra và nắm giữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.