Tuy nhiên, mục tiêu này đang trở thành bài toán nan giải đối với huyện khi nhiều tiêu chí xây dựng NTM khó hoàn thành do thiếu vốn.
Kết quả khiêm tốn
Sau hơn 4 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay, huyện Quốc Oai có 3 xã đạt chuẩn NTM. Đây là kết quả khá khiêm tốn so với mặt bằng chung của TP. Theo ông Nguyễn Quang Thắm - Phó Trưởng phòng Kinh tế, khó khăn lớn nhất hiện nay của huyện là việc hoàn thiện nhóm tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng. "Đây là nhóm tiêu chí đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, không thể thực hiện trong một sớm một chiều" - ông Thắm chia sẻ.
Đơn cử như tại xã Thạch Thán - một trong 7 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2015 vẫn còn tới 3 tiêu chí chưa đạt chuẩn là: Trường học, cơ sở vật chất văn hóa và thủy lợi. Do đó, cùng với sự hỗ trợ kinh phí của huyện, xã đang xây mới một nhà văn hóa và cải tạo các điểm trường mầm non cũ trước đây thành các nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị cho trường mầm non với kinh phí 500 triệu đồng. Đồng thời xây mới tuyến mương tiêu thoát nước dân sinh khu dân cư với chiều dài 1,1km.
Tính đến thời điểm này, toàn huyện Quốc Oai mới chỉ có 45% số trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó duy nhất 1 trường mầm non đạt chuẩn. Đáng nói, đa số các trường học đã đạt chuẩn về diện tích nhưng về cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, nhất là trường mầm non. Bên cạnh đó là tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Hiện, huyện vẫn "trắng" trung tâm văn hóa xã, bởi các xã mới chỉ xây dựng được nhà văn hóa của thôn.
Kinh phí - bài toán khó
Ông Nguyễn Hồng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai thẳng thắn nhìn nhận, một trong những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng NTM của huyện là do nhận thức chưa đầy đủ, chưa toàn diện của một bộ phận người dân. Thậm chí một số ít cán bộ xã còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại nên thiếu sự năng động trong việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng NTM. Bên cạnh đó, công tác tổ chức đấu giá đất xen kẹt tại nhiều xã đang "dậm chân tại chỗ". Đó là chưa kể trong năm 2015, huyện mới tổ chức đấu giá đất được 28 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn vốn xây dựng NTM đã khó khăn lại càng thêm eo hẹp.
Do đó, để giải bài toán về nguồn vốn, trước mắt huyện đề xuất TP sớm cấp kinh phí đo đạc, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Đồng thời, TP tiếp tục cấp kinh phí thực hiện đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng và đường giao thông thôn xóm theo Quyết định số 16/2012/UBND của UBND TP. Cùng với đó, TP cần có chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các địa phương bị thu hồi nhiều đất cho các dự án T.Ư, TP và đẩy mạnh việc thực hiện đầu tư theo Kế hoạch 166/KH - UBND của TP về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2010 - 2015. "Mục tiêu của chương trình xây dựng NTM là đời sống của người dân được nâng cao. Vì vậy, TP cần ban hành chính sách đủ mạnh để thu hút các DN lớn đầu tư phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập" - ông Lâm nhấn mạnh.
Về vấn đề tổ chức đấu giá đất, ông Thắm đề xuất, TP nên giảm bớt các thủ tục trong thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, TP cần sớm ban hành hướng dẫn quản lý, chuyển đổi trang trại. Bởi trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều trang trại tự phát, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch sử dụng đất. Được biết, hiện nay, toàn huyện Quốc Oai có trên 200 trang trại, tập trung chủ yếu tại các xã: Cấn Hữu, Hòa Thạch, Phú Cát, Phú Mãn...
Xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng tại xã Liệp Tuyết , huyện Quốc Oai. Ảnh: Ánh Ngọc
|
Huyện Quốc Oai có 3 xã đạt chuẩn NTM là Nghĩa Hương, Phú Cát và Phượng Cách. Năm 2015, huyện phấn đấu có thêm 7 xã hoàn thành xây dựng NTM, gồm: Thạch Thán, Tân Hòa, Sài Sơn, Ngọc Liệp, Ngọc Mỹ, Tân Phú, Cấn Hữu. |