Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc Oai “hồi sinh” đất hoang bằng mô hình ao nổi

Bài, ảnh: Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc linh hoạt chuyển đổi diện tích ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình ao nổi, canh tác 1 vụ lúa – 1 vụ cá, huyện Quốc Oai đã tận dụng được hàng trăm ha đất bỏ không.

Theo thống kê, huyện Quốc Oai có trên 2.600ha diện tích cấy lúa của các xã ven sông Tích, trong đó có 650ha diện tích ngoài đê bao, còn lại là diện tích trong đê bao nhưng vẫn là vùng trũng thấp, nằm trong vùng quy hoạch phân lũ của TP Hà Nội. Hàng năm, người dân chủ yếu chỉ cấy được một vụ Xuân, còn vụ Mùa bỏ ruộng không.
Trước thực trạng này, để hạn chế ruộng bỏ không, năm 2019, UBND huyện Quốc Oai đã chuyển sang mô hình thủy sản kết hợp cấy lúa. Theo đó, sau khi thu hoạch lúa Xuân xong, người dân sẽ đắp bờ, tháo nước vào các ruộng để nuôi cá.
Để phát triển mô hình, huyện Quốc Oai khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã tập hợp ruộng để canh tác. Huyện hỗ trợ 50% chi phí hóa chất xử lý môi trường; UBND các xã hỗ trợ giải quyết vướng mắc trong việc thuê ruộng, công tác an ninh trật tự. Kết quả, vụ Mùa năm 2019, Quốc Oai đã tận dụng được 250ha ruộng bỏ không để nuôi thủy sản.
 Mô hình ao nổi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Quốc Oai.
Tham gia tích cực từ những ngày đầu, vụ Mùa 2019, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Yên Thái, xã Đông Đỗ đã tập hợp được 70ha ruộng để nuôi thủy sản. Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Thái Đỗ Danh Tính cho biết, đây vốn là những chân ruộng trũng thấp, thường xuyên ngập úng vào vụ Mùa nên nhiều năm liền người dân bỏ không canh tác.
Tuy nhiên sau khi chuyển đổi sang mô hình một lúa một cá đã cho hiệu quả cao ngoài mong đợi. Ngoài việc không mất nhiều chi phí cải tạo giống ao nuôi truyền thống, mô hình ao nổi này còn tận dụng được các thức ăn có sẵn trong ruộng rạ như lúa chét, cỏ, sâu bọ…
Bên cạnh đó, giảm thiểu được công tác điều tiết thủy lợi, phòng chống thiên tai. Mặt khác, chất thải của cá còn giúp cải tạo đất màu mỡ.
Tương tự, năm 2019, xã Hòa Thạch cũng canh tác 110ha lúa – cá. Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Hòa Trúc Phùng Văn Ngọc, mô hình này mang lại hiệu quả cao trên một diện tích canh tác. Với năng suất cá đạt từ 3,5 - 4 tấn/ha, doanh thu đạt 150 triệu/ha/năm, gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa. Sau khi trừ chi phí cho thu nhập 25 - 30 triệu đồng/ha/năm. “Nhờ phát triển mô hình này mà hàng trăm ha ruộng bỏ không vào vụ Mùa của xã được “hồi sinh”” - ông Ngọc phấn khởi nói.
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Huy Chiến cho biết: Dư địa phát triển thủy sản trên đất 2 lúa ở Quốc Oai còn rất lớn. Năm 2020, huyện Quốc Oai sẽ phấn đấu mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản kết hợp lúa – cá lên 640ha. Dự kiến sản lượng thủy sản toàn huyện năm 2020 ước đạt 2.000 tấn, doanh thu đạt gần 100 tỷ đồng. “Để tăng diện tích thủy sản trong những năm tới, huyện sẽ phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Nội hỗ trợ công tác tập huấn, tư vấn, đưa con giống phù hợp với từng vùng. Cùng với đó, tổ chức điều hành công tác điều tiết nước cũng như hỗ trợ toàn bộ tiền điện bơm nước” – ông Chiến cho hay.