Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc Oai: rà soát khu vực xung yếu, sẵn sàng ứng phó bão Yagi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, sáng 7/9, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Quốc Oai. Cùng đi có lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội và các sở, ngành liên quan.

Đoàn công tác đã kiểm tra công tác vận hành tiêu úng của trạm bơm tiêu Cấn Hạ.
Đoàn công tác đã kiểm tra công tác vận hành tiêu úng của trạm bơm tiêu Cấn Hạ.

​Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng vận hành tiêu úng của trạm bơm tiêu Cấn Hạ, xã Cấn Hữu và xóm Bến vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu. Tại thời điểm kiểm tra, trên địa bàn huyện Quốc Oai có mưa nhưng không quá to, với sự chủ động trong công tác phòng chống bão, sẽ hạn chế thấp thất tình trạng thiệt hại do bão gây ra.

Qua kiểm tra thực tế Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại ghi nhận đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động trong việc ứng phó với bão số 3 của huyện Quốc Oai. Đồng thời nhấn mạnh, bão số 3 là siêu bão rất mạnh, có cường độ và sức gió rất lớn, độ rủi ro thiên tai rất cao. Vì vậy, huyện Quốc Oai cần triển khai ngay các biện pháp phòng chống bão lụt theo chỉ đạo của Trung ương và của thành phố; kích hoạt các phương án ứng phó với bão số 3 ở mức cao nhất.

Đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác ứng phó bão số 3 của huyện Quốc Oai.
Đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác ứng phó bão số 3 của huyện Quốc Oai.

Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ thông tin về diễn biến của cơn bão, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động trong công tác phòng, chống bão. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm "4 tại chỗ"; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng xử lý các tình huống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Khẩn trương rà soát lại các khu vực xung yếu để sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho Nhân dân khu vực bị ảnh hưởng.

Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; tổ chức thường trực 24/24h, theo dõi sát diễn biến của cơn bão để tiếp tục chủ động phòng, chống, mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn về người, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tài sản. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức cho người dân hiểu về mức độ rủi ro, nguy cơ thiệt hại đối với từng cấp gió để người dân chủ động phương án phòng tránh; tuyên truyền để người dân không ra đường khi có bão. Chuẩn bị đầy các vật dụng thiết yếu, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân ở vùng bị ảnh hưởng bởi bão khi cần thiết; sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn khi có vấn đề xảy ra.