Quốc tế đánh giá cao đóng góp tích cực của Việt Nam

Linh Phạm - Minh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những thành tựu đáng ngưỡng mộ của gần 35 năm đổi mới đưa Việt Nam chuyển mình thành một điểm sáng của khu vực là minh chứng rõ ràng cho đường lối phát triển đúng đắn.

 Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres: Việt Nam có đóng góp quan trọng cho hòa bình bền vững
Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của Liên Hợp quốc kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Lực lượng quân đội Việt Nam đang tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc và vai trò đầu tàu của các bạn trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp các bạn triển khai Chương trình Phát triển Bền vững 2030.
Tầm nhìn và khát vọng của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi chúng ta phục hồi sau đại dịch Covid-19. Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững.
Kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh của Việt Nam diễn ra trùng với dịp Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của các bạn trên trường quốc tế.
 Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, Trưởng Ngoại giao đoàn
Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, Trưởng Ngoại giao đoàn: Luôn tỏa sáng khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc
Trong suốt 75 năm qua, ngày Quốc khánh 2/9 luôn là mốc son lịch sử mang ý nghĩa thiêng liêng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Lý tưởng, khát vọng về độc lập, tự do và hạnh phúc đã trở thành sức mạnh to lớn đưa toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đồng thời là nguồn cảm hứng, khích lệ bất tận cho các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập và tự do.
Những thành tựu đáng ngưỡng mộ của gần 35 năm đổi mới đưa Việt Nam chuyển mình thành một điểm sáng của khu vực là minh chứng rõ ràng cho đường lối phát triển đúng đắn. Sự hội nhập toàn diện, chủ động đã ghi lại những dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế, bằng những đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Năm 2020 là một năm đáng nhớ khi Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, được quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc đảm đương trọng trách Chủ tịch ASEAN trong một năm đầy biến động, khẳng định vai trò trung tâm trong việc gắn kết các quốc gia để chủ động thích ứng với tình hình mới. Đồng thời, tôi cũng đánh giá cao đóng góp của Việt Nam với cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, đóng góp vào nỗ lực bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế, vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp cho mọi dân tộc.
 Giáo sư danh dự ĐH New South Wales Carl Thayer (Australia)
Giáo sư danh dự ĐH New South Wales Carl Thayer (Australia): Khẳng định vị thế trong ngoại giao
Trong hơn bảy thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong ngoại giao kể từ năm 1995, một năm bản lề trong quá trình phát triển của Việt Nam. Tôi nhắc đến năm 1995 bởi khi đó Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ và trở thành thành viên thứ sáu của ASEAN.
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đặt ra mục tiêu “đa dạng hóa, đa phương hóa” quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế thế giới. Coi mục tiêu này là kim chỉ nam, Việt Nam đã đạt được nhiều cột mốc quan trọng về ngoại giao, bao gồm: Trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/1998, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tháng 11/2006; được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020 - 2021; Hà Nội được chọn là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN đối phó với Covid-19, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với sức khỏe cộng đồng.
 Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ Elisa Fernandez Saenz
Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ Elisa Fernandez Saenz: Bình đẳng giới được cải thiện vượt bậc
Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ, trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới. Điều đó được thể hiện ở việc phát triển khung pháp lý và thể chế vững chắc về bình đẳng giới, thực hiện nhiều hiệp định và thỏa thuận quốc tế.
Luật pháp được sửa đổi nhằm thúc đẩy và đảm bảo quyền của phụ nữ như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và đặc biệt là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Gần đây nhất, Bộ luật Lao động được sửa đổi, theo đó khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ đã được thu hẹp.
Những thành tựu khác của Việt Nam có thể kể đến việc đạt được bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của hai giới ở bậc tiểu học và THCS, giảm tỷ lệ tử vong mẹ khi sinh. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện cuộc sống của rất nhiều phụ nữ Việt Nam.
Một điểm sáng khác là sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động. Ngày nay chúng ta có 79% phụ nữ tham gia vào lực lượng lạo động, cao hơn mức trung bình của khu vực và trên thế giới. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào lực lượng lao động, đặc biệt trong ngành giáo dục và y tế đang tăng lên. Đây là minh chứng cho vai trò của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam ở mọi cấp độ.
Cuối cùng là sự tham gia của phụ nữ trong chính trị cũng rất nổi bật. Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội Việt Nam đạt tới 26,7%, cao hơn mức trung bình thế giới. Chúng ta thấy phụ nữ đang nắm các vị trí lãnh đạo, quản lý Nhà nước quan trọng. Ngày càng nhiều người phụ nữ tài giỏi đang chủ động nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong kinh doanh.
Vì vậy, trong 25 năm vừa qua, tôi nghĩ Việt Nam đã có rất nhiều bài học, kinh nghiệm và chúng ta nên tận dụng chúng để phát triển hướng tới tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc mà Việt Nam đang rất tích cực thực hiện.
 Nhà văn, nhà báo Mỹ James Borton
Nhà văn, nhà báo Mỹ James Borton: Những bước tiến đáng kinh ngạc
Vào ngày 2/9 cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập từ Pháp. Là một nhà báo Mỹ, tôi không chỉ chứng kiến những “Tết Độc lập” ý nghĩa mà còn cả những thành tựu đáng kinh ngạc của Việt Nam để khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế.
Trong những chuyến thực tế đến các tỉnh, thành trên mọi miền đất nước, từ Hà Nội, Đà Nẵng đến TP Hồ Chí Minh, tôi đã viết nhiều bài báo về công cuộc đổi mới của Việt Nam bắt đầu năm 1986 khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường.
Trong hành trình đó, việc bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ là một dấu mốc quan trọng. Mối quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ thành quan hệ đối tác bao trùm nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, an ninh, đến giao lưu nhân dân. Năm nay hai nước kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ, từ cựu thù nay trở thành bạn và đối tác thương mại.
Trong khi Covid-19 tiếp tục đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào hòa bình, an ninh, hợp tác y tế và khoa học của khối. Nỗ lực đoàn kết đáng được khen ngợi vì đã giúp không chỉ kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, mà còn góp phần thành lập Quỹ ứng phó dịch Covid-19 của ASEAN và đảm bảo nguồn cung vật tư y tế trong khu vực.