Ông Sái Công Hồng |
- Đối với HS đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vẫn đang thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 58 cho đến hết năm học 2023 - 2024. Tuy nhiên, với sự phát triển của GD&ĐT, Thông tư 58 sau 9 năm ra đời, đến nay đã có một số hạn chế. Cụ thể, nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm; số lượng đầu điểm nhiều; việc kiểm tra chưa tiếp cận đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của HS, chưa đánh giá được sự tiến bộ trong quá trình học tập của HS. Quan trọng hơn, cách đánh giá cho điểm số hiện nay chưa tạo động lực để tiến bộ cho người học.
Thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương đổi mới việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Với việc dạy và học được điều chỉnh, hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng cần thiết đổi mới để phù hợp với định hướng trên. Theo đó, dự thảo giữ lại những nội dung phù hợp với Chương trình GDPT hiện hành và thực tế dạy học, bãi bỏ hoặc điều chỉnh những nội dung lạc hậu so với thực tế hiện nay.
Ông có thể nói rõ hơn sự điều chỉnh trong dự thảo so với các chế định cũ?
- Trước hết, dự thảo tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Việc này thực hiện ở hầu hết các môn học, trừ Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục. Việc đánh giá bằng nhận xét này không chung chung mà đánh giá bằng những biểu hiện cụ thể về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của HS gắn với từng bài học, theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Việc kiểm tra bằng điểm số thì đổi mới cách ra đề theo hướng thay vì kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức của HS thì đánh giá HS sử dụng kiến thức để giải quyết một nhiệm vụ học tập cụ thể nào đó.
Tiếp đến là đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. Trước đây chúng ta chú trọng kiểm tra, đánh giá bằng điểm số thông qua các bài kiểm tra viết, kiểm tra hỏi đáp (miệng). Tại dự thảo lần này, có nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá như hỏi - đáp, thuyết trình, kiểm tra viết trên giấy hoặc trên máy tính. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, đánh giá thông qua các sản phẩm học tập, thực hành. Dự thảo khuyến khích việc ứng dụng CNTT trong kiểm tra, đánh giá trên máy tính nhằm phát triển hoạt động đánh giá vì sự tiến bộ, phát triển năng lực tự học của người học.
Quy định cụ thể về số đầu điểm kiểm tra, đánh giá như thế nào, thưa ông?
- Dự thảo thống nhất số đầu điểm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ cho mỗi môn học, theo hướng giảm số đầu điểm so với quy định hiện hành. Cụ thể, trong kiểm tra định kỳ sẽ giới hạn một học kỳ chỉ còn 1 điểm kiểm tra giữa kỳ và 1 điểm kiểm tra cuối kỳ, không còn điểm kiểm tra 1 tiết. Quy định thời gian cho kiểm tra bài giữa kỳ và cuối kỳ cũng được điều chỉnh, phụ thuộc vào từng môn học. Đối với những môn học có dưới 70 tiết/năm học thì đề kiểm tra giữa kỳ chỉ dưới 45 phút, đề cuối kỳ không vượt quá 60 phút. Những môn nhiều tiết hơn thì đề giữa kỳ không quá 60 phút và cuối kỳ không quá 90 phút.
Đối với kiểm tra, đánh giá thường xuyên, môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học sẽ có 2 đầu điểm, môn học từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm có 3 đầu điểm, môn học trên 70 tiết/năm có 4 đầu điểm. Tuy nhiên, số lần kiểm tra đánh giá thường xuyên không bị giới hạn bởi số đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Ví dụ, môn học có 2 đầu điểm kiểm tra nhưng giáo viên có thể thực hiện đến 3 - 4 lần kiểm tra, đánh giá học sinh để lấy 2 đầu điểm đó. Mục đích là khuyến khích HS nỗ lực học tập hơn để có thể cải thiện điểm số. Đây chính là kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của người học, tạo động lực phát triển cho người học.
Xin cảm ơn ông!