Thí sinh được dự thi cả 2 bài tổ hợp
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 nhằm 3 mục đích: Dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT phải dự thi 4 bài, gồm 3 bài độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tổ hợp tự chọn là Khoa học tự nhiên (gồm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thí sinh giáo dục thường xuyên cấp THPT phải dự thi 3 bài, gồm Toán, Ngữ văn và 1 bài tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp. Điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nội dung kỳ thi THPT quốc gia 2017 nằm trong chương trình lớp 12 THPT. Năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và 12 THPT. Và, từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT. Theo Bộ GD&ĐT, đề thi THPT quốc gia đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản để tốt nghiệp THPT và nâng cao để tuyển sinh ĐH, CĐ. Điểm thi tự luận và trắc nghiệm được quy về thang điểm 10 áp dụng đối với toàn bài và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Theo quy chế, mỗi tỉnh, TP tổ chức một cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Bộ GD&ĐT sẽ điều động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ đến các cụm thi để phối hợp tổ chức thi. Năm nay, sẽ thống nhất sử dụng phần mềm quản lý thi do Bộ GD&ĐT cung cấp. Đồng thời thiết lập hệ thống trao đổi thông tin về kỳ thi chính xác, cập nhật giữa trường phổ thông với sở GD&ĐT, giữa sở GD&ĐT với Bộ GD&ĐT.
Tiếp tục quy định điểm sàn
Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, đề án tuyển sinh của trường phải cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng. Cụ thể là cơ sở vật chất, bao gồm phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu; đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo… Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. Nếu phát hiện trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế, Bộ GD&ĐT sẽ quyết định dừng tuyển sinh đối với những ngành, nhóm ngành liên quan. Đồng thời kỷ luật theo quy định đối với những cá nhân mắc sai phạm.
Trước những phản đối về việc bỏ điểm sàn, năm 2017, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường ĐH xây dựng phương án xét tuyển. Năm nay, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Tuy nhiên, thí sinh phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Khi thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan. Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực.
Để tạo điều kiện cho các trường ĐH và thí sinh trong công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT hỗ trợ xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh. Bên cạnh việc chỉ đạo điều hành, Cổng thông tin tuyển sinh sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia, đề án tuyển sinh/điều kiện tuyển sinh của các trường, hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết...