Quỹ đất sau khi di dời nhà máy khỏi nội đô: Cấp thiết quy hoạch không gian công cộng

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhiều công trình xây dựng quy mô đã hiện diện. Tuy nhiên, các không gian công cộng phục vụ cho việc nâng cao chất lượng sống của người dân còn đang thiếu.

Theo các chuyên gia, việc dành quỹ đất sau khi di dời các cơ sở công nghiệp trong nội đô để làm không gian công cộng, phục vụ cộng đồng là cấp thiết.
Thiếu không gian công cộng
Không gian công cộng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đô thị, tuy nhiên, theo KTS Đinh Đăng Hải, chuyên gia Dự án Thành phố sống tốt thuộc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, Hà Nội lại đang rất thiếu diện tích cây xanh, hồ nước… Cụ thể, bình quân mỗi người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người.
 Hà Nội đang còn thiếu không gian công cộng cho người dân. Trong ảnh: Vườn hoa Paster tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Thùy Anh
Thậm chí, những người dân ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30cm2/người. Như vậy, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các TP trên thế giới với mức 9m2/người. “Đã có nhiều minh chứng cho thấy, việc thiếu không gian công cộng tại đô thị có thể làm gia tăng căn bệnh béo phì, tai nạn giao thông… ” - KTS Đinh Đăng Hải nói.
Bàn về việc thiếu không gian xanh, không gian công cộng tại Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, PGS.TS Phạm Thúy Loan cho biết, từ năm 2013 khi khảo sát thực tế để thực hiện bản Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cho thấy Hà Nội chỉ có khoảng 2 – 3m2 cây xanh, mặt nước, không gian công cộng/người.
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011, không gian xanh của Hà Nội bao gồm cả hành lang xanh, nêm xanh thì có khả năng đạt 9m2/người. “Nhiều bài học kinh nghiệm về phát triển đô thị cho thấy, thiết kế, xây dựng và duy trì không gian công cộng không chỉ là việc của các nhà quy hoạch, quản lý đô thị mà còn là sự tham gia nhiều mặt của cộng đồng trong việc tạo ra các không gian công cộng tại nơi sinh sống” - bà Phạm Thúy Loan khẳng định.
Giải pháp từ quỹ đất di dời nhà máy
Phần lớn chuyên gia môi trường đô thị cho rằng, trên địa bàn Hà Nội còn khá nhiều nhà máy công nghiệp đang nằm trong các khu dân cư đông đúc, gây sức ép lên môi trường sống trong khi không gian công cộng lại đang rất thiếu. Vì thế, việc di dời các nhà máy ra khỏi khu dân cư là giải pháp cấp thiết, nhất là gần đây liên tiếp xảy ra các sự cố như vụ cháy Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Nhà máy hóa chất tại Cảng Đức Giang, quận Long Biên.
Theo khảo sát của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) trong tháng 5 và 6/2020 với 512 người dân sống tại Hà Nội cho thấy, gần 60% ý kiến cho rằng, không gian sống của họ đang bị ảnh hưởng bởi hoạt động của nhà máy, trong đó mức độ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí độc hại chiếm 80,52%. Đặc biệt, 98,49% người dân được hỏi ủng hộ quyết định di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành.
Theo PGS.TS Phạm Thúy Loan, có hai cách để tăng diện tích không gian xanh, không gian công cộng cho Hà Nội tại khu vực các quận không còn quỹ đất. Thứ nhất, cần phát huy tối đa, nâng cao khả năng phục vụ, lồng ghép các mục tiêu vào không gian công cộng sẵn có. Thứ hai, tận dụng quỹ đất chuyển đổi từ những khu đất không sử dụng nữa, đặc biệt là nhà máy đã được di dời để ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và không gian công cộng.
“Đây là vấn đề liên quan đến quy chuẩn phát triển đô thị. Hiện nay, quy hoạch không gian công cộng của Hà Nội chưa đạt chuẩn. Nhà nước, chính quyền phải có trách nhiệm bảo đảm chuẩn đó” - PGS.TS Phạm Thúy Loan cho hay.
Nhà nước đã có chủ trương và chính sách di dời các nhà máy công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực trung tâm và sử dụng không gian sau di dời để phát triển không gian công cộng. Sở dĩ có tình trạng một số nhà máy bị chuyển đổi mục đích sử dụng không đúng như chủ trương ban đầu là nằm ở khâu giám sát chính sách.
KTS Đinh Đăng Hải cho biết, không riêng Hà Nội, nhiều TP lớn trên thế giới đã sử dụng phương pháp tạo quỹ đất để phát triển khi di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành. Vấn đề ở đây là cần có quy hoạch và thực hiện nghiêm túc quy hoạch, có tính đến yếu tố không gian xanh. Đặc biệt, chính quyền cần huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc đóng góp ý kiến, cũng như giám sát quá trình thực hiện các quy hoạch để Hà Nội trở thành TP đáng sống.

"Đến nay, TP Hà Nội đã xử lý triệt để 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời được 67 cơ sở của cả T.Ư và Hà Nội. Hiện, Sở TN&MT cùng với các sở, ngành, quận tiếp tục rà soát danh mục hơn 100 cơ sở sản xuất. Để đẩy nhanh tiến độ di dời, kiến nghị TP Hà Nội bố trí kinh phí xây dựng các khu, cụm công nghiệp ở ngoại thành để DN có địa điểm mới cho lựa chọn di chuyển. Đồng thời, các cơ quan T.Ư sớm xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội." - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần