Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định áp giải bị can

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Anh Nguyễn Văn Khiêm ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội hỏi: “Con trai tôi là Nguyễn Văn Kha bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, được cơ quan điều tra cho tại ngoại trong quá trình điều tra. Cơ quan điều tra đã 2 lần triệu tập nhưng con trai tôi không đến. Như vậy Cơ quan điều tra có quyền áp giải đối với con trai tôi không”?

Trả lời:

Theo Điều 129 BLTTHS quy định khi triệu tập bị can, điều tra viên phải gửi giấy triệu tập cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi Nguyễn Văn Kha cư trú hoặc cho cơ quan, tổ chức nơi anh Kha làm việc.

 

Các đơn vị kể trên, khi nhận được giấy triệu tập phải chuyển ngay cho anh Kha. Khoản 3 – Điều 129 BLTTHS quy định: “Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập. Trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc có biểu hiện trốn tránh thì điều tra viên có thể ra quyết định áp giải”.

 

Như vậy, nếu 2 lần triệu tập anh Kha không đến mà không có lý do chính đáng thì điều tra viên phụ trách điều tra vụ án sẽ ra quyết định áp giải bị can đối với anh Kha. Việc áp giải bị can phải được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 130 BLTTHS: người thi hành quyết định áp giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Việc áp giải không được thực hiện vào ban đêm.

 

Trong trường hợp này, anh nên khuyên con trai mình có mặt theo giấy triệu tập để thể hiện tinh thần hợp tác với cơ quan điều tra, như vậy sẽ rất có lợi cho con của anh.

 

                                                  Luật sư Nguyễn Văn Bình - Công ty Luật TNHH Hà Đăng