Quy định hoạt động xét nghiệm HIV tại cộng đồng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam là mô hình dịch tập trung trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV đang trẻ hóa và phần lớn là nam, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Chính vì vậy, các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV đa dạng được triển khai bao gồm: Xét nghiệm trong cơ sở y tế, xét nghiệm HIV dựa vào tổ chức cộng đồng, các bạn trong cộng đồng người có quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người nghiện ma túy, người bán dâm tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và hỗ trợ kết nối điều trị ARV.

Trong đó, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn xét nghiệm tại cộng đồng và Hướng dẫn các kỹ thuật xét nghiệm HIV. Trong đó cho phép sử dụng hai kỹ thuật này được làm xét nghiệm sàng tại cộng đồng. Do đơn giản dễ thực hiện và đảm bảo không gây lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm từ người xét nghiệm sang người được xét nghiệm.

Liên quan đến chủ trương và các quy định pháp luật về triển khai xét nghiệm HIV tại cộng đồng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 quy định:

- Khoản 1, điều 29 sửa đổi: Xét nghiệm sàng lọc HIV được thực hiện tại cơ sở y tế, tại cộng đồng và tự xét nghiệm.

- Điều 27 sửa đổi: Xét nghiệm HIV tự nguyện

  1. Việc xét nghiệm HIV được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người được xét nghiệm.
  2. Người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV.
  3. Việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện của người đó.

- Điểm b, khoản 3, Điều 20: Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia phòng, chống HIV/AIDS

Quy định hoạt động xét nghiệm HIV tại cộng đồng - Ảnh 1

“Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được thực hiện các hoạt động sau đây:

Cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ”

Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Y tế

“Xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng:

  1. a) Người làm xét nghiệm có kiến thức về tư vấn, xét nghiệm HIV và thực hiện xét nghiệm HIV theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
  2. b) Có dụng cụ xét nghiệm, bảo quản sinh phẩm phù hợp với loại sinh phẩm xét nghiệm HIV được sử dụng.”

Quyết định số 2673/QĐ-BYT năm 2018 Ban hành xét nghiệm HIV tại cộng đồng

Hướng dẫn quy trình tư vấn, xét nghiệm, chuyển gửi và sổ sách thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng

Quyết định số 2674/QĐ-BYT năm 2018 Ban hành Hướng dẫn quốc gia xét nghiệm HIV

Hướng dẫn kỹ thuật làm xét nghiệm, đảm bảo chất lượng xét nghiệm, sử dụng sinh phẩm xét nghiệm HIV.

Quyết định số 1246/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Mục tiêu: Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm HIV của mình đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.

Giải pháp: Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV.

Liên quan đến tổ chức dựa vào cộng đồng Bông Hồng Đen – Cầu Vồng Đen triển khai xét nghiệm HIV cho học sinh tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế chính thức thông tin về sự việc.

Chia sẻ thêm về việc triển khai xét nghiệm HIV tại cộng đồng, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Võ Hải Sơn cho biết, Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Y tế, trong đó, Điều 17 quy định các điều kiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Những người làm xét nghiệm HIV cộng đồng phải có kiến thức về HIV và được tập huấn về xét nghiệm HIV tại cộng đồng.

Hoạt động của các nhóm tổ chức cộng đồng là cơ sở thiện nguyện, tự nguyện, không phải là một DN xã hội nên không có quy định cụ thể trong việc đăng ký hành nghề. Nhóm  thông qua các tổ chức phi Chính phủ để triển khai các hoạt động, dự án của Cục Phòng, chống HIV/AIDS hướng dẫn theo hướng dẫn của quốc gia.

Ngoài ra, nhà tài trợ thông qua các quy định, hướng dẫn chuyên môn, các tổ chức phi Chính phủ ký hợp đồng triển khai hoạt động. Từ đó, các tổ chức phi Chính phủ trực tiếp giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức cộng đồng để triển khai xét nghiệm HIV.

Từ vụ việc "Bông Hồng Đen", lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Cục cũng đang nghiên cứu để điều chỉnh các quy định cụ thể hơn trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều hướng dẫn của Luật phòng, chống HIV/AIDS sắp tới.

“Có thể trong năm nay, chúng tôi sẽ nghiên cứu về mặt chính sách, quy định cụ thể hơn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức cộng đồng. Đặc biệt là những người trong nhóm nguy cơ cao có thể tự nguyện tham gia các hoạt động của cộng đồng. Sử dụng các nguồn kinh phí của các nhà tài trợ và của quốc gia để triển khai hoạt động đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Nhà nước, các ngành y tế địa phương với các tổ chức cộng đồng và tổ chức phi Chính phủ” – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết.