Kinhtedothi - Sau khi nghị định mới về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83/2014/NĐ-CP) được ban hành, ngày 19/9, Hiệp hội Xăng dầu Việt nam (VINPA) đã tổ chức hội nghị phổ biến cho các thành viên. Tại đây, các ý kiến thắc mắc và đề xuất đều không mới so với trước, cho thấy dù đã có cơ chế quản lý mới, nhưng việc điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu của các cơ quan chức năng bằng Nghị định 83 vẫn chưa đáp ứng được hết những vấn đề đặt ra.
Giải pháp mới chưa đủ mạnh
Theo Nghị định 84/2009 trước đây, mỗi đại lý chỉ được lấy hàng từ một tổng đại lý hoặc một công ty đầu mối. Còn với quy định mới, đại lý được phép chủ động lựa chọn đơn vị cung cấp trong từng thời điểm thay vì chỉ bán giá đúng theo đầu mối quy định và hưởng hoa hồng như trước kia. Tuy nhiên, các DN đầu mối lại lo ngại làm như vậy sẽ càng khó quản chất lượng xăng dầu, nhất là khi lợi nhuận định mức vẫn quy định cứng như hiện nay.
Để minh chứng cho những lo ngại này, đại diện một DN đầu mối lý giải, trên thực tế thời gian qua, do chi phí kinh doanh định mức thấp (hiện là 860 đồng/lít xăng), không bù đắp đủ chi phí thực tế, nhiều thời điểm mức chiết khấu không đủ để DN trang trải.
Chính vì vậy, để đảm bảo không lỗ, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hợp đồng dài hạn với tổng đại lý hoặc công ty đầu mối, nhiều đại lý lấy nguồn hàng trôi nổi, không rõ chất lượng. Với những nguồn hàng này, DN được nhận mức chiết khấu cao, có thời điểm lên đến hơn 1.000 đồng/lít. "Bản thân đại lý cũng không biết chất lượng xăng. Chỉ biết rẻ, lời nhiều là mua. Hàng mua không có hợp đồng, không hóa đơn chứng từ" - vị đại diện DN này cho biết. Như vậy, với việc quy định đại lý chỉ được ký hợp đồng với một đầu mối bị phá bỏ, chất lượng hàng từ điểm đầu tới điểm cuối sẽ rất khó kiểm soát. Trong khi đó, chi phí định mức, đặc biệt là phí hoa hồng, vẫn mang đậm tính can thiệp hành chính trực tiếp càng khiến kinh doanh xăng dầu "rối như canh hẹ".
Do đó, theo ý kiến của nhiều DN, chi phí định mức phải tăng thêm 250 - 300 đồng (tức lên mức 1.100 - 1.200 đồng/lít) mới có thể bù đắp chi phí. "Nếu khoản chi phí định mức như vận chuyển, nhân công, hoa hồng cho đại lý... tăng, khi đó, đại lý đảm bảo chi phí kinh doanh, có lợi nhuận nên sẽ không cần phải lấy hàng trôi nổi và gian lận thương mại phổ biến như hiện nay" - Chủ tịch VINPA Phan Thế Ruệ kiến nghị.
Trong khi đó, đại diện Saigon Petro cho rằng, DN rất bị động, như chuyện thuế nhập khẩu xăng dầu liên tục điều chỉnh theo ý của Bộ Tài chính, lúc tăng, lúc giảm, DN không thể chủ động được kế hoạch kinh doanh: "Thành ra, việc quản lý chi phí kinh doanh xăng dầu lại không công khai, không minh bạch mà đây là điểm mà người tiêu dùng đòi hỏi mạnh mẽ nhất".
Chưa giải quyết được tận gốc
Tại hội nghị, những thắc mắc, đề xuất về kho bãi, chi phí mặt bằng, nguồn hàng, lợi nhuận định mức, trang thiết bị... cũng được đại diện nhiều DN đề cập. Các vấn đề được cho là "nổi cộm" của ngành xăng dầu hiện nay thực chất không có gì mới. Điều đó cho thấy, dù đã có cơ chế quản lý mới, việc điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu của các cơ quan chức năng bằng Nghị định 83 vẫn chưa đáp ứng được hết vấn đề đặt ra.
Đơn cử như sự thay đổi về biên độ điều chỉnh giá và thời gian điều chỉnh giá, quy định mới theo hướng hạ thấp biên độ DN được quyền tự định giá, từ mức dưới 7% xuống mức dưới 3%, chu kỳ tính giá cơ sở sẽ giảm một nửa, chỉ còn 15 ngày thay vì 30 ngày như trước đây. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 lần tăng giá cũng tăng từ 10 ngày lên 15 ngày. Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Nghị định mới chỉ là thay đổi các con số, tăng/giảm phần trăm, không phù hợp trong điều kiện thị trường chưa có cạnh tranh, chắc chắn không thể tránh khỏi việc DN cùng bắt tay tăng giá.
"Giả sử trong trường hợp giá cơ sở không tăng hoặc tăng thấp nhưng DN lại tăng giá cao trong mức 3% thì tức là họ đã vi phạm và lạm dụng Nghị định và buộc phải giải trình" - ông Long nói và cho rằng, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ việc tăng giá này. Đồng thời cùng với cơ chế giám sát nghị định mới cần phải có quy định rõ về việc xử phạt nếu như DN lạm dụng tăng giá. Rất tiếc là Nghị định 83 chưa cụ thể về việc này.
Thị trường xăng dầu trước đây được quản lý bởi Nghị định 84 với những quy định tương tự nhưng chưa bao giờ được thực hiện vận hành theo đúng nghĩa. Nay nghị định mới ra đời nếu không được thực hiện công khai, minh bạch hơn thì sẽ vẫn chỉ là giải quyết phần "ngọn". Ngay cả cơ chế vận hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng được người trong cuộc cho rằng không hợp lý, khi được trích lập và sử dụng liên tục, thường xuyên. "Bởi, nếu trích Quỹ liên tục thì người tiêu dùng sẽ thiệt, mà xả Quỹ liên tục thì DN không kham nổi" - Chủ tịch VINPA Phan Thế Ruệ bày tỏ.
Người tiêu dùng mua xăng trong một cửa hàng xăng dầu trên đường Láng, quận Đống Đa. Ảnh: Chiến Công
|
Chỉ còn một tháng nữa là Nghị định 83 có hiệu lực, nếu Thông tư liên Bộ về hướng dẫn thực hiện không được soạn thảo và ban hành kịp thời thì tôi e Nghị định sẽ lại ách tắc ngay khi có hiệu lực. Bởi, tháng 12 tới, các DN đầu mối sẽ phải nhập khẩu xăng dầu, họ cần biết cụ thể quy định "ổn định thuế" cụ thể ở đây sẽ như thế nào, hay chỉ nói chung chung như thế rồi DN lại "nháo nhào" không biết tuân theo quy định ra sao? Ông Phan Thế Ruệ Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu |