Theo đó, Thông tư quy định về 04 (bốn) Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam có số hiệu và tên gọi như sau: Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 01 – Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá; Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02 – Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá; Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 03 – Giá trị phi thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá; Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 04 – Những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt động thẩm định giá.
Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 01 là các tiêu chuẩn đạo đức và trình độ chuyên môn nghề nghiệp thẩm định giá gồm: Độc lập; Chính trực;Khách quan; Bảo mật; Công khai, minh bạch; Năng lực chuyên môn và tính thận trọng; Tư cách nghề nghiệp; Tuân thủ tiêu chuẩn chuyên môn. Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02 được quy định: Cơ sở giá trị tài sản có thể là cơ sở giá trị thị trường hoặc cơ sở giá trị phi thị trường, giá trị tài sản được ước tính trên cơ sở giá trị thị trường là giá trị thị trường và được xác định bằng các cách tiếp cận theo quy định của hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Giá trị thị trường là mức giá ước tính của tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá, giữa một bên là người mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giao dịch khách quan, độc lập, có đủ thông tin, các bên tham gia hành động một cách có hiểu biết, thận trọng và không bị ép buộc. Giá trị thị trường thể hiện mức giá hình thành trên thị trường công khai và cạnh tranh, thị trường này có thể là thị trường trong nước hoặc thị trường quốc tế, có thể bao gồm nhiều người mua, người bán hoặc bao gồm một số lượng hạn chế người mua, người bán. Trường hợp có sự hạn chế đối với việc xác định giá trị thị trường của tài sản (thông tin, dữ liệu trên thị trường, điều kiện thẩm định giá hoặc các hạn chế khác), thẩm định viên nêu rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục (nếu có) và thể hiện mức độ ảnh hưởng đến kết quả thẩm định giá do sự hạn chế này trong báo cáo kết quả thẩm định giá. Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 03 được quy định: Cơ sở giá trị tài sản có thể là cơ sở giá trị thị trường hoặc cơ sở giá trị phi thị trường, giá trị tài sản được ước tính trên cơ sở giá trị phi thị trường là giá trị phi thị trường và được xác định bằng các cách tiếp cận theo quy định của hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Giá trị phi thị trườnglà mức giá ước tính của một tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá, không phản ánh giá trị thị trường mà căn cứ vào đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, chức năng, công dụng của tài sản, những lợi ích mà tài sản mang lại trong quá trình sử dụng, giá trị đối với một số người mua đặc biệt, giá trị khi giao dịch trong điều kiện hạn chế, giá trị đối với một số mục đích thẩm định giá đặc biệt và các giá trị không phản ánh giá trị thị trường khác. Khi áp dụng cơ sở giá trị phi thị trường, thẩm định viên cần nêu tên của loại giá trị phi thị trường cụ thể được áp dụng và đưa ra các căn cứ, lập luận cụ thể. Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 04 quy định những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt động thẩm định giá bao gồm: Nguyên tắc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất; Nguyên tắc cung - cầu; Nguyên tắc thay đổi; Nguyên tắc thay thế; Nguyên tắc cân bằng; Nguyên tắc thu nhập tăng hoặc giảm; Nguyên tắc phân phối thu nhập; Nguyên tắc đóng góp; Nguyên tắc phù hợp; Nguyên tắc cạnh tranh; Nguyên tắc dự tính lợi ích tương lai.
Ảnh minh họa. |