Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch cấp nước Hà Nội: Tăng sử dụng nước mặt, giảm khai thác nước ngầm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nghị quyết về Quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND thành phố thông qua.

Trong đó khẳng định, việc lập quy hoạch cho các đô thị, khu công nghiệp, khu vực nông thôn có thể kết hợp với cấp nước đô thị thuộc địa bàn. Việc cấp nước sạch sẽ cơ bản được lấy từ nguồn nước mặt thay vì chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm như hiện nay.
 
Năm 2020, 100% người dân được cấp nước sạch

Nghị quyết đưa ra chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt. Theo đó, ở đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt 160 - 170 lít/người/ngày. Dân số được cấp nước đạt 100%. Ở đô thị vệ tinh đến năm 2020 là 130 - 150 lít/người/ngày.  Dân số được cấp nước từ 80 - 90% năm 2020, đạt 100% năm 2030. Tại các thị trấn và nông thôn liền kề đến năm 2020 là 110 - 120 lít/người/ngày. Dân số được cấp nước từ 70  - 80% năm 2020, lên 90% năm 2030 và đạt 100% năm 2050.

Thành phố dự kiến đầu tư nâng tổng công suất các nhà máy nước đến năm 2020 là 1.763.000m3/ngày, đến năm 2030 là 2.738.000m3/ngày. Tổng công suất các nhà máy nước mặt là 1.140.000m3/ngày vào năm 2020 và 2.085.000m3/ngày vào năm 2030. Cùng với đó, thành phố khai thác hợp lý và giảm dần công suất các nhà máy nước ngầm để đảm bảo sự bền vững tài nguyên nước. Tổng công suất các nhà máy nước ngầm đến năm 2020 là 623.500m3/ngày và đến năm 2030 là 613.000m3/ngày.

Dự báo nhu cầu dùng nước đến năm 2050 là 3.155.144m3/ngày. Tỷ lệ thất thoát nước sạch là dưới 20%. Nhu cầu nước sạch cơ bản sẽ được lấy từ nước mặt sông Hồng, sông Đuống, sông Đà. Những khu vực nhỏ, cục bộ mà cấp nước đô thị không dẫn đến được thì sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ.

Hoàn thiện mạng lưới phân phối nước

Từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ cải tạo và hoàn thiện các tuyến truyền tải, phân phối nước khu vực đô thị từ trung tâm đến vành đai 3; Phát triển mạng lưới cấp nước mới cho các khu vực từ Vành đai 3 đến Vành đai 4 khu vực đô thị trung tâm, các khu đô thị vệ tinh, các thị trấn và các vùng nông thôn liền kề nơi có tuyến truyền dẫn cấp nước đô thị đi qua; Lắp đặt tuyến truyền tải chính và các tuyến nhánh sử dụng nguồn nước của nhà máy nước sông Đà cấp cho đô thị trung tâm và các đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Chúc Sơn, Quốc Oai, Phúc Thọ; Lắp đặt các tuyến truyền tải sử dụng nguồn nước của nhà máy nước sông Hồng cấp nước cho đô thị trung tâm, các đô thị Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn và một phần cho các thị trấn Phùng, Phúc Thọ; Lắp đặt tuyến truyền tải sử dụng nguồn nước của nhà máy nước sông Đuống cấp nước cho đô thị trung tâm và các đô thị Long Biên - Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì. Tổng chiều dài các tuyến truyền tải đến năm 2020 là 572 km và đến năm 2030 là 617 km.

Từ nay đến năm 2015, sẽ nâng công suất Nhà máy nước Gia Lâm lên 60.000m3/ngày, xây mới nhà máy nước Nguyên Khê công suất 10.000m3/ngày, xây dựng nhà máy nước mặt Sông Hồng công suất 150.000m3/ngày, nhà máy nước mặt Sông Đuống công suất 150.000m3/ngày, nâng công suất nhà máy nước mặt Sông Đà lên 600.000 m3/ngày. Phát triển các trạm bơm tăng áp tại quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì…

Theo dự kiến, tổng mức đầu tư để thực hiện Quy hoạch hệ thống cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 khoảng 34.623 tỷ đồng, huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư như: vốn vay ODA, nguồn vốn ngân sách, vay vốn thương mại từ Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển của Thủ đô Hà Nội, đồng thời mở rộng các hình thức BOO, BOT, PPP.