Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch Di tích chùa Thầy, huyện Quốc Oai: Tạo đà khai thác du lịch

Nguyễn Nga – Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc bắt tay vào làm quy hoạch tổng thể khu di tích chùa Thầy, huyện Quốc Oai đang mong muốn giải quyết nhiều vấn đề bất cập, tồn tại để vừa bảo tồn di tích, vừa khai thác tiềm năng, đẩy mạnh du lịch tại địa phương.

Cảnh quan bị xâm hại
Chùa Thầy nằm ngay dưới chân núi Sài, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, được xây dựng từ thời nhà Lý. Với bề dày lịch sử lâu đời, ngôi chùa đã là cái tên quá đỗi quen thuộc của mảnh đất xứ Đoài. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như hai vị tượng Hộ pháp lớn nhất Việt Nam với chiều cao 4m, nặng 3 tấn làm từ đất sét và giấy bản đã hơn 400 năm tuổi hay cây cột gỗ Ngọc Am có niên đại từ thế kỷ XI… Trong số đó, hiện vật có giá trị nhất, được nhiều người biết đến chính là bệ đá kép “Bách hoa đài” với những nét điêu khắc tinh tế. Trẩy hội chùa Thầy vào tháng Ba Âm lịch, ngoài lễ Phật, du khách còn được hưởng thú vui leo núi, hòa mình vào cảnh trí thiên nhiên xứ Đoài và thưởng thức các màn múa rối nước, trò chơi dân gian độc đáo.
 Một góc di tích chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai
Mặc dù đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt từ cuối năm 2014, nhưng đến nay khu di tích chùa Thầy vẫn chưa có chỉ giới đường đỏ, quy chế quản lý xây dựng và quy hoạch được duyệt. Vì vậy có tình trạng nhiều hộ dân ở xen lấn vào trong khu di tích và dưới chân núi Thầy. Bên cạnh đó, môi trường cảnh quan của di tích cũng bị xâm hại, gây nhiều khó khăn trong việc tổ chức và quản lý lễ hội hàng năm.
Tạo đà cho du lịch
Để bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch của khu di tích chùa Thầy cũng như khu vực núi đá Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá trên địa bàn huyện Quốc Oai, việc lập quy hoạch quần thể di tích này là hết sức cần thiết và cấp bách. Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai, chủ trương quy hoạch tổng thể khu di tích chùa Thầy đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Hiện, địa phương đang bắt tay vào thực hiện các bước tiếp theo như xây dựng nhiệm vụ quy hoạch, đánh giá hiện trạng, lập đồ án quy hoạch… Sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ xác định được vùng đệm, vùng lõi di tích để bảo tồn cũng như thiết chế quản lý khu di tích này.
Ông Nguyễn Vũ Hán – Trưởng phòng VHTT huyện Quốc Oai, kiêm Phó Ban quản lý di tích cho biết, theo dự kiến sẽ phải di dời 47 hộ dân sống quanh lòng hồ Long Trì đến khu tái định cư mới để đảm bảo các vành đai bảo vệ theo quy định cho khu di tích, không có dân cư xen lấn. Đây là cơ hội và điều kiện tổ chức riêng biệt phần lễ với nhiều nghi thức đặc sắc của trường phái Mật tông ở khu trung tâm. Đồng thời đưa phần hội cùng các dịch vụ ra ngoài di tích đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn hạ tầng và không gian linh thiêng, huyền bí của di tích chùa Thầy.
Ngoài ra, quy hoạch còn là chìa khóa giải bài toán khó về giao thông hiện nay ở chùa Thầy như dự án mở đường có mặt cắt 42m từ Đại lộ Thăng Long về chùa Thầy và mở đường dẫn từ đường vành đai du lịch về chùa Long Đẩu. Đồng thời đưa bãi đỗ xe và các khu dịch vụ tách rời khu di tích. Trên cơ sở đó, bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ gìn tốt nhất nghệ thuật kiến trúc của di tích, tạo đà cho phát triển du lịch của huyện Quốc Oai nói riêng và Thủ đô nói chung.
Tại buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 7 mới đây, nhiều cử tri trên địa bàn xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai đã bày tỏ mối quan tâm về nhiều vấn đề. Trong đó, cử tri Lê Xuân Sửu – Bí thư Chi bộ thôn Khánh Tân, xã Sài Sơn chia sẻ, theo dòng thời gian, một số hạng mục công trình đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hơn nữa, Sài Sơn lại là địa danh ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây cũ, là nơi Bác Hồ dừng chân và làm việc trên đường lên chiến khu Việt Bắc. Chính vì vậy, khu di tích này cần phải được quan tâm bảo tồn, trùng tu, tôn tạo kịp thời.