Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhằm tổ chức các cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn dân cư, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân; đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 70% số thôn (riêng ở khu vực miền núi là 50%) có Nhà Văn hóa, Khu Thể thao, trong đó được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.

Với cấp xã, 80% số đơn vị hành chính xã (riêng ở khu vực miền núi là 60%) có Trung tâm Văn hoá-Thể thao, trong đó được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em. Những địa phương chưa có đủ điều kiện để xây dựng tại mỗi đơn vị hành chính cấp xã một Trung tâm Văn hóa-Thể thao, có thể xây dựng tại cụm xã (3 đến 5 xã) một Trung tâm Văn hóa-Thể thao.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Với cấp huyện, 90% số đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hoá-Thể thao; 30% số đơn vị hành chính cấp huyện có Nhà Thiếu nhi; 10% số đơn vị hành chính cấp huyện có Nhà Văn hóa Lao động.

Còn đối với cấp tỉnh, 100% số đơn vị hành chính cấp tỉnh có Trung tâm Văn hoá; 100% số đơn vị cấp tỉnh có Cung Thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi hoặc Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi; 50% số đơn vị cấp tỉnh có Cung Văn hóa Lao động, Nhà Văn hóa Lao động.

Xây dựng Trung tâm Văn hóa; Cung Thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi; Cung Văn hóa Lao động, Nhà Văn hóa Lao động cấp Quốc gia; Khu vui chơi giải trí hiện đại tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương là trung tâm các vùng kinh tế trọng điểm và các đô thị loại I khác trong cả nước.

100% khu công nghiệp, khu chế xuất có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Trong đó tối thiểu 30% Khu công nghiệp, Khu chế xuất đã hoạt động xây dựng được Trung tâm Văn hóa-Thể thao phục vụ công nhân, người lao động.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao

Quyết định nêu rõ, các công trình văn hóa, thể thao cơ sở được xây dựng ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân; kiến trúc hiện đại, bền vững phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng, miền, dân tộc; quy mô xây dựng tương xứng với sự phát triển về kinh tế-xã hội của địa phương; bảo đảm trang thiết bị chuyên dùng đồng bộ, phù hợp và đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí.

Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thuộc các bộ, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang khi tiến hành xây dựng phải phù hợp quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng đồng bộ, phù hợp yêu cầu phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ.

Các bộ, ngành, đoàn thể trực tiếp quản lý và tổ chức hoạt động hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở trực thuộc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trực thuộc các bộ, ngành, đoàn thể.

Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân bao gồm các Nhà Văn hóa, Khu Vui chơi giải trí, các cơ sở thể dục, thể thao, thành lập các câu lạc bộ văn hóa,  văn nghệ, thể thao. Khuyến khích đầu tư vào các dịch vụ thể thao, văn hóa,  du lịch, vui chơi giải trí dành cho trẻ em.