Quy hoạch phố đi bộ phục vụ phát triển kinh tế đêm tại Hà Nội: Không đơn giản là việc ngăn đường cấm xe

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ lớn về quy hoạch, đó là xây dựng quy hoạch TP và rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đây là cơ hội lớn tạo điều kiện cho phát triển kinh tế đô thị. Những giải pháp về quy hoạch nhằm khai thác tối đa và phát triển mạnh hơn nữa về kinh tế đô thị, nhất là kinh tế đêm cần được chú trọng triển khai.

Tiềm năng lớn về phát triển kinh tế đêm
Mới đây, trong văn bản trả lời ý kiến của cử tri về việc nghiên cứu, có giải pháp nhằm khai thác và phát triển mạnh hơn nữa kinh tế đêm, UBND TP Hà Nội khẳng định, TP Hà Nội là nơi có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế ban đêm. Bởi lẽ, Hà Nội là trung tâm văn hóa - chính trị của cả nước, là trung tâm du lịch với rất nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Ngành du lịch Thủ đô đã khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP...
Trên thực tế, cùng với những định hướng của TP, các quận, huyện trên địa bàn cũng đã chủ động trong việc phát triển kinh tế ban đêm, nhiều địa phương dần trở thành những khu vực tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm. Cụ thể, quận Hoàn Kiếm từ năm 2016 đã tổ chức không gian phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ. Hiện nay, quận đang trình Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đây là một trong những quận đi đầu của TP để cụ thể hóa định hướng về phát triển kinh tế đêm và xác định những kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện.
Không gian phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19 
Đối với quận Tây Hồ, phát triển kinh tế ban đêm với không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố tại phố Trịnh Công Sơn. Đề án này kể từ khi được quận Tây Hồ triển khai đã nhận được sự quan tâm của người dân, khách du lịch và trở thành không gian đi bộ mới sau khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Tại quận Long Biên với tốc độ đô thị hóa nhanh, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị khá hoàn chỉnh, hiện đang có khu phố ẩm thực Ngọc Lâm.
Ngoài ra, nhiều quận cũng đang tích cực để hình thành các không gian nhằm phục vụ phát triển kinh tế đô thị, kinh tế đêm như quận Hai Bà Trưng đã có chủ trương để xây dựng Đề án hình thành tuyến phố đi bộ khu vực cổng Công viên Thống Nhất và Hồ Thiền Quang. Quận Đống Đa có định hướng xây dựng phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám thành phố đi bộ cuối tuần, trở thành không gian văn hóa, với nhiều hoạt động văn hóa, lịch sử liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Quận Hoàng Mai xây dựng tuyến phố đi bộ tại Khu đô thị Nam đường Vành đai 3...
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Đông Anh sẽ trở thành đô thị trung tâm, một quận của Thủ đô - một thành phố thông minh bên bờ Bắc sông Hồng. Mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, Đông Anh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính hiện đại, trung tâm văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Trên những cơ sở đó, trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP sẽ xây dựng 6 không gian du lịch, trong đó Đông Anh là một trong những vùng du lịch trọng điểm...
Cần vai trò thúc đẩy của quy hoạch
Thực tế cho thấy, kinh tế đô thị có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của một TP. Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, việc quy hoạch và triển khai quy hoạch nhằm khai thác tối đa lợi thế về một Thủ đô ngàn năm văn hiến để phát triển kinh tế đô thị, kinh tế đêm chưa được thực hiện hiệu quả. Một ví dụ tiêu biểu là khu vực trung tâm TP còn rất thiếu những không gian công cộng, những khu đất, tuyến phố đi bộ dành cho các loại hình kinh tế khai thác lợi thế văn hoá, lịch sử đặc biệt của Hà Nội.
Trưởng Phòng nghiên cứu Đô thị (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) Nguyễn Thị Diễm Hằng cho rằng, Hà Nội đang đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ lớn về quy hoạch, đó là xây dựng quy hoạch TP và rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội. Đây là cơ hội lớn để tạo điểu kiện cho phát triển kinh tế đô thị. Do đó, thời gian tới rất cần xây dựng phương án quy hoạch cho các lĩnh vực kinh tế đô thị; phương án quy hoạch về đô thị, khu vực phát triển, các lĩnh vực hạ tầng… để tạo điều kiện cho kinh tế đô thị, kinh tế đêm phát triển. Khi xây dựng Quy hoạch, việc lồng ghép các vấn đề văn hóa, kinh tế - xã hội và phân bố không gian đô thị rất quan trọng, làm sao để đô thị hóa, phát triển các đô thị hỗ trợ tối đa cho phát triển kinh tế đô thị.
“Nhiệm vụ của quy hoạch là tạo thêm không gian, mặt bằng cho các hoạt động kinh doanh, buôn bán kiểu truyền thống tại các quận lõi; tăng thêm không gian công cộng để tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế mới phát triển dựa trên khai thác giá trị văn hóa, lịch sử như kinh tế đường phố, kinh tế đêm…” - bà Nguyễn Thị Diễm Hằng nêu.
Tương tự, PGS. TS Nguyễn Quang Minh (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng) cũng đưa ra khuyến nghị, không gian công cộng cần được nghiên cứu kỹ, được thiết kế bổ sung thường xuyên để thích ứng với những yêu cầu và điều kiện mới, tổ chức nhiều hoạt động phong phú và thích hợp, không chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ của cư dân mà còn thúc đẩy sự phát triển của du lịch và cả một hệ thống dịch vụ phục vụ du lịch, góp phần tạo ra “giá trị gia tăng” và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Nhất là với tuyến phố đi bộ có điểm mạnh là kết nối nhiều không gian công cộng của một khu vực cũng như xâu chuỗi nhiều loại hình không gian công cộng với nhau nên cần được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, để hình thành tuyến phố đi bộ không đơn giản là việc ngăn đường cấm xe, mà cần tạo ra không gian văn hóa đúng nghĩa cho người dân. 
Một trong những chỉ tiêu trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” là mở rộng 3 - 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ. Sở Văn hóa và Thể thao đang xây dựng kế hoạch triển khai; dự thảo tiêu chí, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng đề án để triển khai thực hiện. Đến nay, đang hoàn thiện Đề án phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án tổ chức khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã, Đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, Đề án tổ chức không gian đi bộ hồ Thiền Quang, Đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần