Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch phòng, chống lũ tại Hà Nội: Cấp thiết vì sự phát triển

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã tích cực lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội. Thời điểm này, việc lập quy hoạch đang bước vào giai đoạn nước rút.

Thiếu quy hoạch
Huyện Thanh Trì có hơn 6,7km đê Hữu Hồng chạy qua. Trên địa bàn huyện có 3 xã nằm trong vùng bãi là: Yên Mỹ, Duyên Hà và Vạn Phúc, tổng diện tích 1.258ha, với gần 6.100 hộ dân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh, do nằm trong vùng thoát lũ nên dù trụ sở UBND các xã đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay, nhưng chỉ có thể sửa chữa, chứ không được phép xây dựng. Người dân muốn xây dựng nhà cũng phải xin cấp phép và tuân thủ nhiều quy định phức tạp.

Một khu vực tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông Hồng, huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm Nguyễn

Tương tự, khu vực phường Phúc Tân và Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), hiện có trên 45.000 người dân sinh sống trong vùng thoát lũ sông Hồng. Tuy nhiên, do nằm ở khu vực ngoài đê nên việc cấp giấy phép xây dựng vẫn phải tuân thủ các quy định chuyên ngành, nhất là quy định về hành lang thoát lũ sông Hồng. Nhiều nhà ở dân cư tuy đã hư hỏng, cấp thiết phải xây dựng lại, nhưng chỉ được cấp giấy phép có thời hạn và việc xây dựng lại nhà ở phải dựa trên cơ sở nguyên trạng. Điều này không chỉ gây khó cho công tác quản lý Nhà nước đối với xây dựng thuộc khu dân cư vùng thoát lũ, mà còn khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Phát triển kinh tế cũng gặp nhiều trở ngại.

Đây chính là nguyên nhân khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị phục vụ đời sống người dân.

“Tôn trọng tự nhiên”

Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (đơn vị tư vấn thiết kế) đã đứng ra lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội. Theo Quy hoạch này, tổng số hộ cần di dời là 1.900 hộ, diện tích sử dụng bãi sông khoảng 4.568ha. Quy hoạch chống được lũ chu kỳ 500 năm cho trung tâm TP Hà Nội, với tổng kinh phí thực hiện là 56.904 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã, việc chậm triển khai quy hoạch khiến tỷ lệ dân cư khu vực thoát lũ tăng nhanh. Thống kê trong gần 8 năm qua, số dân vùng thoát lũ đã tăng khoảng 30.000 người. Điều này sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho công tác di dân. Không chỉ vậy, tình trạng đổ trộm phế thải, lấn chiếm hành lang thoát lũ… cũng đang diễn ra phức tạp tại những khu vực ven sông thuộc các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm...

Đại diện đơn vị tư vấn thẩm tra độc lập là Viện Kỹ thuật công trình (Đại học Thủy lợi) cho rằng: Tổng nguồn vốn để triển khai quy hoạch rất lớn (56.904 tỷ đồng), dẫn tới tình trạng quy hoạch lẻ tẻ. Ở một khía cạnh liên quan, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Bùi Xuân Tùng cũng băn khoăn, việc chậm thông qua quy hoạch phòng chống lũ sẽ là rào cản đối với TP trong việc triển khai các quy hoạch phát triển đô thị ven sông. Nhiều ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đê điều, thủy lợi cũng cảnh báo về “bài học sông Hàn” (Hàn Quốc). Theo đó, trong quá trình triển khai quy hoạch, cần đặc biệt “tôn trọng tự nhiên”, tránh thực hiện theo lối cưỡng bức đối với những không gian thoát lũ.

Cụ thể hóa việc sử dụng đất bãi

Băn khoăn lớn nhất hiện nay có liên quan tới tỷ lệ diện tích đất bãi sông được phép xây dựng hạ tầng. Con số này theo Quyết định số 257 của Thủ tướng Chính phủ được giới hạn ở mức từ 5 - 15% diện tích bãi sông. Hầu hết ý kiến đề xuất tăng tỷ lệ trên nhằm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên ven sông.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, sẽ sớm chỉ đạo xem xét, có ý kiến về quy hoạch trên tinh thần tạo điều kiện để Hà Nội quản lý, khai thác tốt nhất khu vực bãi sông. Đồng thời đề nghị Hà Nội tăng cường thông tin, tuyên truyền, không phát triển “nóng” khu vực dân cư ven sông. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đề nghị TP nghiên cứu giải pháp về nguồn vốn, trong đó, không loại trừ phương án xã hội hóa đầu tư, bảo đảm thực hiện quy hoạch tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với điều kiện.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã, sau khi Bộ NN&PTNT có ý kiến, sẽ trình HĐND TP trong kỳ họp tháng 11/2017 tới. Nếu được thông qua, đơn vị sẽ lập tức bắt tay vào triển khai.

Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội được thực hiện trên cơ sở điều tra, khảo sát kỹ tình hình thực tế; cập nhật, xem xét kết nối, thống nhất với các quy hoạch, trong đó có Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Quy hoạch trên đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật đê điều, cũng như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu