Hà Nội vẫn đặt mục tiêu số một là bảo đảm an toàn cho công tác phòng chống lũ, cải tạo, quy hoạch lại khu vực đê đất thành đê bê tông. Bên cạnh đó, sẽ tận dụng tuyến đê này xây dựng đường giao thông để có thể phục vụ tốt cho dân cư khu vực bờ đê. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Trả lời kiến nghị cử tri hồi đầu tháng 5/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay, TP chưa hoàn thành quy hoạch phân khu sông Hồng, do chưa có phương án thoát lũ. Vì vậy, trong dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, TP đã nhất trí đưa nội dung này vào để báo cáo Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, trong đó đặt mục tiêu phủ kín các quy hoạch phân khu, đặc biệt là quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. |
Quy hoạch phòng, chống lũ: Thúc đẩy phát triển đô thị ven sông Hồng
Kinhtedothi - Chưa có quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng khiến thu hút đầu tư phát triển đô thị ven sông gặp nhiều khó khăn. Hà Nội lãng phí một quỹ đất lớn, trong khi việc xây dựng các công trình hạ tầng dân sinh phục vụ 900.000 dân hai bên sông Hồng cũng không thể thực hiện.
Thiếu quy hoạch, khó phát triển
Suốt nhiều năm qua, việc xây dựng các công trình hạ tầng dân sinh bức xúc trên địa bàn TP như trường học, trụ sở làm việc… ở khu vực bãi sông gặp khó khăn. Thậm chí, việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cũng đòi hỏi thủ tục hết sức phức tạp. Nguyên nhân là vướng mắc liên quan đến quy định hành lang thoát lũ. Tại cuộc làm việc với Bộ NN&PTNT mới đây, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đặt vấn đề cần xây dựng quy hoạch thoát lũ sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Đồng thời nhấn mạnh, yêu cầu chống lũ là rất quan trọng, là vấn đề sống còn đối với sự phát triển của Hà Nội. “Theo quy định, khu vực đất bãi sông chưa được quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm. Sau 5 năm lại xóa đi làm lại thì ai dám đầu tư nguồn lực, khoa học công nghệ vào để phát triển…” – Bí thư Thành ủy nói.
Theo Bí thư Thành ủy, quỹ đất ở ngoài bãi sông Hồng rộng mênh mông nhưng không kêu gọi được nhà khoa học, nhà đầu tư; tất cả đều phải đợi quy hoạch. Ngay khu vực bãi giữa sông Hồng - khu vực quận Hoàn Kiếm, giờ mượn làm tạm cũng không được, vô cùng lãng phí!
Theo tìm hiểu, năm 2018, UBND TP phối hợp Viện Quy hoạch thủy lợi xây dựng quy hoạch phân lũ, trong đó, thống nhất phương án làm đê kết hợp với đường - mô hình đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, tờ trình về quy hoạch phòng chống lũ cho từng tuyến sông, trong đó có sông Hồng chưa được thông qua. Chưa có quy hoạch phân lũ, việc thực hiện quy hoạch để phát triển hai bên bờ sông Hồng cũng chưa thể thực hiện.
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, muốn quy hoạch hai bờ sông Hồng thì vấn đề thoát lũ là quan trọng nhất. Do đó, TP mong Bộ NN&PTNT sớm có chủ trương để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, TP có thể triển khai các bước tiếp theo. Liên quan đến đề xuất của Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài cho biết, đơn vị cũng mong muốn cải tạo, chỉnh trang bãi sông Hồng, tạo điều kiện để TP thúc đẩy phát triển đô thị ven sông. Nhưng để bảo đảm được việc này, Hà Nội phải xây dựng phương án phòng chống lũ nằm trong quy hoạch phát triển Thủ đô và chuyển sang Bộ để thẩm định.
Thực tế, Quyết định số 257/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng - Thái Bình được ban hành là căn cứ để tổ chức quy hoạch 15 tỉnh hạ du, làm cơ sở cho công tác ứng phó thiên tai, bảo vệ đê điều, đặc biệt cho vùng Thủ đô. Trong đó, có 2 chỉ tiêu chính: An toàn cho nội đô và bảo đảm mức thoát lũ. Từ 2 nguyên tắc trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị TP Hà Nội tập trung rà soát lại từ lòng sông đến khu vực xung quanh. Không để người dân xây dựng tự phát cản trở dòng chảy. Làm sao để có thể quản trị tốt về mặt tổng thể nhưng vẫn tận dụng được nguồn tài nguyên và bảo đảm an sinh xã hội.
Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới sẽ cử lực lượng khoa học chuyên môn cao nhất từ các viện trực thuộc, tập trung cùng với TP tổng rà soát để tổ chức triển khai Quyết định số 257 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh quan điểm là phải bảo đảm hai nguyên tắc: Cốt đê cao 13,4m và mức thoát lũ ở tiết diện trung bình của sông Hồng đoạn qua Hà Nội là 20.000m3/s.