Giàu lên nhờ cây ăn quả
Được xây dựng hơn 10 năm nay, trang trại của Chủ tịch Hội sản xuất, kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức Triệu Tiến Ích, thôn Lại Dụ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức đã chọn tạo được 7 giống nhãn chín muộn, trong đó hai giống HTM1, HTM2 được Bộ NN&PTNT công nhận. Ông Ích cho biết, nhãn chín muộn có chất lượng cao, giá bán trung bình 40.000 đồng/kg, cao gần gấp 3 lần so với nhãn chính vụ. Thu nhập bình quân đạt 700 - 800 triệu đồng/ha. Toàn huyện Hoài Đức hiện có 85ha nhãn chín muộn. Trong 3 năm qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, hiệu quả sản xuất từ trồng nhãn chín muộn trên địa bàn huyện Hoài Đức đã tăng lên rõ rệt. Năm 2012 năng suất nhãn chín muộn đạt 18 tấn/ha, cao hơn 3 tấn/ha so với năm 2010. Thu nhập bình quân đạt 700 triệu đồng/ha. Ngoài nhãn chín muộn, còn có bưởi đường Quế Dương (xã Cát Quế) và bưởi đường La Tinh (xã Đông La) với tổng diện tích 32ha. Năng suất bưởi đường đạt 40 tấn/ha, cho thu nhập bình quân 500 triệu đồng/ha.
Giống bưởi đường Quế Dương, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức có giá trị kinh tế cao.Ảnh: Quang Thiện
Theo thống kê của UBND huyện Hoài Đức, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện đạt 740ha. Ông Nguyễn Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha như: Vùng nhãn chín muộn An Thượng, Đông La, Song Phương; bưởi đường tại xã Cát Quế, Đông La; phật thủ, cam Canh xã Đắc Sở, Yên Sở...
Gắn sản xuất với chế biến
Mặc dù đã hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, song sản lượng sản phẩm sản xuất ra của huyện Hoài Đức còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm chưa được đăng ký nhãn hiệu nên nông dân còn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù trong những năm qua, UBND huyện Hoài Đức đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho nông dân phát triển cây ăn quả, song số hộ được hỗ trợ, vay trực tiếp còn thấp, hầu hết các hộ nông dân còn khó khăn về vốn đầu tư sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất cây ăn quả, UBND huyện Hoài Đức kiến nghị, TP tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho người nông dân. Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian tới, để mở rộng các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, huyện cần lưu ý gắn quy hoạch sản xuất với các doanh nghiệp và phát triển công nghệ chế biến để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Tại buổi giám sát về tình hình đầu tư xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn huyện Hoài Đức mới đây, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt đề nghị, huyện Hoài Đức phải lựa chọn cây trồng chủ lực để hình thành vùng sản xuất tập trung. Trên cơ sở quy hoạch, có sự đầu tư đồng bộ, tập trung như hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng sản xuất, giống, vật tư, bảo quản, chế biến sản phẩm, thị trường tiêu thụ... Đây sẽ là hạt nhân để nhân rộng mô hình trong thời gian tiếp theo, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân.
"Trồng cây ăn quả có tính bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, Hà Nội lại là thị trường tiêu thụ trái cây lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ phát triển diện tích cây ăn quả có giá trị cao khoảng 1.000ha, tập trung ở ba cây trồng chủ lực là nhãn, bưởi, phật thủ". - Ông Khuất Văn Thành - Bí thư Huyện ủy Hoài Đức
|