Quy hoạch và quản lý quy hoạch: Bài học từ quận Hoàng Mai

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tại Hoàng Mai và Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm đã để lại quá nhiều bài học. Việc để các nhà đầu tư chỉ nhăm nhăm xây nhà ở bán cho người dân mà không chịu đầu tư trường học, bãi đậu xe và hạ tầng giao thông đã làm cho bộ mặt đô thị trở nên méo mó...

Tháng 8/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi 7 dự án chậm triển khai, tổng diện tích 185ha. Đối với chủ đầu tư các khu đô thị, đặc biệt là có các ô đất trường học phục vụ cho lợi ích công cộng, xã hội, TP đã giao Sở Xây dựng rà soát, tham mưu giải quyết. Người dân Hoàng Mai đang chờ những quyết định hợp lòng dân của chính quyền TP Hà Nội.

Nhìn từ khu đô thị kiểu mẫu

Khu đô thị Linh Đàm có quy mô 200ha bao gồm ba dự án thành phần: Khu nhà ở Bắc Linh Đàm, Khu nhà ở bán đảo Linh Đàm và Khu nhà ở Linh Đàm mở rộng được khởi công từ năm 1997. Đến nay, dự án này đã và đang để lại nhiều boăn khoăn, trăn trở của cả giới quy hoạch, kiến trúc cũng như người dân sinh sống.

Sau 19 năm phát triển, quận Hoàng Mai đang đối diện với vấn đề thiếu trường học, hạ tầng giao thông yếu kém. Ảnh: Thanh An
Sau 19 năm phát triển, quận Hoàng Mai đang đối diện với vấn đề thiếu trường học, hạ tầng giao thông yếu kém. Ảnh: Thanh An

Dự án có quy mô dân số 25.000 người, diện tích sàn 990.000m2 là dự án thí điểm đầu tư đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Toàn bộ dự án khu hồ Linh Đàm được quy hoạch xây dựng theo mô hình đô thị hiện đại kết hợp với nét đặc trưng phản ánh đặc điểm và bản sắc văn hóa dân tộc Việt, cảnh quan đô thị hài hòa với cảnh quan chung của toàn vùng.

Tổng diện tích cây xanh của khu đô thị hơn 31,5ha, chỉ tiêu cây xanh tính trên đầu người rất cao và có cảnh quan hấp dẫn. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ công cộng đồng bộ, với gần 4.000 căn nhà xây mới, trong đó có hơn 3.150 căn hộ chung cư cao tầng phục vụ hàng chục nghìn người dân Thủ đô đến định cư.

Như vậy, khu đất vốn trước đây là đầm lầy, ruộng trũng có cơ hội lột xác thành Khu đô thị mới Linh Đàm với các công trình kiến trúc khang trang, hiện đại xen lẫn với cảnh quan thiên nhiên xanh tươi, tạo nên động lực thúc đẩy sự phát triển của cả khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội.

Được bình chọn là một trong 20 công trình kiến trúc tiêu biểu thời kỳ đổi mới, Khu đô thị Linh Đàm không chỉ là mô hình kiến trúc đô thị đầu tiên có tính tiên phong của Hà Nội trong việc tạo lập khu nhà ở mới hoàn chỉnh để nhanh chóng nhân rộng ra các địa phương mà đây còn được ghi nhận là khu đô thị mới có nhiều thể loại nhà ở phong phú, phục vụ cho tầng lớp bình dân. Cùng với Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh), Khu đô thị mới Linh Đàm đã được Bộ Xây dựng công nhận là Khu đô thị kiểu mẫu để từ đó phát triển rộng trên toàn quốc (năm 2009).

Chuyện 13 năm sau

Hơn 10 năm sau, Khu đô thị mới Linh Đàm nói riêng và phường Hoàng Liệt nói chung đã trở thành “điểm nóng” nhân dịp đầu năm học. Năm học 2022 - 2023, trường Mầm non Hoàng Liệt quy mô chỉ tiếp nhận 1.202 học sinh. Năm học này, UBND phường Hoàng Liệt đã phải tổ chức 4 buổi bốc thăm để loại 380 cháu trong độ tuổi mầm non (3 và 4 tuổi). Sau bốc thăm, người dân Hoàng Liệt đã phải chua chát thốt lên “không đỗ đại học do con, không đỗ mầm non do mẹ”.

Phường Hoàng Liệt, nơi có tới 85 chung cư cao tầng hiện có 92.000 nhân khẩu, bình quân tăng khoảng 2.000 trẻ trong độ tuổi mầm non hàng năm. Theo thống kê trẻ trên địa bàn phường Hoàng Liệt, trẻ từ 0 - 16 tuổi là hơn 19.000 trẻ, trong đó số trẻ trong độ tuổi đi học là hơn 8.000 cháu, phải xây dựng ít nhất 2 trường mầm non nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu. Con số có tới 3 trường tiểu học, 2 trường THCS cũng khiến phường Hoàng Liệt trở thành địa phương có cơ sở giáo dục công lập nhiều nhất Thủ đô nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Quận Hoàng Mai hiện có 227 nhà chung cư cao tầng mới được xây dựng và 202 nhà chung cư cũ. Theo quy định, trường chuẩn quốc gia mức độ 1 (trường không quá 45 lớp, lớp không quá 45 học sinh) thì quận Hoàng Mai thiếu khoảng 36 trường nữa. Một con số khiến cho các nhà quy hoạch, các nhà quản lý quy hoạch phải đau đầu suy nghĩ khi nhắc đến quận đông dân nhất TP sau 19 năm thành lập.

Không chỉ thiếu trường, hạ tầng giao thông Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm do HUD đầu tư cũng đang có quá nhiều điều phải nói. Dự án đường giao thông ven hồ Linh Đàm đã đắp chiếu 18 năm nay. Theo quy hoạch chi tiết cải tạo chỉnh trang phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 17/9/2004, xung quanh hồ Linh Đàm sẽ xây dựng một tuyến đường rộng 13,5m đấu nối với đường gom của đường Vành đai 3 và đường phân khu vực ở phía Nam.

20 năm sau, nơi đây vẫn là “thiên đường” của cỏ dại, là nơi tụ tập các loại tệ nạn xã hội. “Lâu nay, tại bất cứ cuộc họp tổ dân phố hay tiếp xúc cử tri, câu hỏi bao giờ dự án đường giao thông ven hồ Linh Đàm sẽ được triển khai đều được đề cập. Nhưng bao giờ nơi đây có con đường như trong dự án vẫn là giấc mơ của người dân” - đại tá Nguyễn Hòa Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng, nguyên Tổng Biên tập báo Biên phòng sống ven hồ Linh Đàm chia sẻ.

Dấu ấn của chính quyền địa phương

Trong bối cảnh này, phải ghi nhận việc UBND quận Hoàng Mai đã tích cực đầu tư cơ sở giáo dục mới, tạo điều kiện xã hội hóa giáo dục. Năm học 2021 - 2022, quận Hoàng Mai đã xây mới, đầu tư, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 18 trường (10 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS) với tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng. Quận đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 4 trường (Tiểu học Hoàng Mai, THCS Hoàng Mai, Tiểu học Linh Đàm, THCS Linh Đàm).

Nhưng câu chuyện “đất đâu để xây trường” đang vượt ngoài tầm tay của chính quyền địa phương. Theo quy hoạch 2021 - 2030, quận Hoàng Mai, hiện còn có 135 ô đất quy hoạch cho giáo dục. Nhưng đến nay, với rất nhiều lý do, nhiều năm qua các chủ đầu tư chưa thực hiện đúng thời gian xây dựng trường. Được biết, UBND quận Hoàng Mai đang quyết liệt đề nghị lãnh đạo TP thu hồi và đấu giá các lô đất này.

Tại phường Hoàng Liệt, điểm nóng của giáo dục Hà Nội, trong số 33 ô đất quy hoạch có chức năng trường học (20 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 5 trường THCS, 3 trường THPT) trong đó đã đầu tư 15, hiện còn 18 ô chưa được đầu tư xây dựng. Điều khá ngạc nhiên là Công ty CP Quốc tế Vạn Xuân, chủ đầu tư lô đất 3.000m2 tại ô NT-III.13.3 tại Dự án Khu đô thị mới Pháp Vân, một trong 14 nhà đầu tư thứ cấp của HUD rất muốn xây trường mầm non trên đất của mình thì vẫn bó tay (?!!).

Xung quanh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tại Hoàng Mai và Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm đã để lại quá nhiều bài học. Việc để các nhà đầu tư chỉ nhăm nhăm xây nhà ở bán cho người dân mà không chịu đầu tư trường học, bãi đậu xe và hạ tầng giao thông đã làm cho bộ mặt đô thị trở nên méo mó.

 

Bài toán quy hoạch bãi đỗ xe tại Hoàng Mai cũng đang nóng lên tại các diễn đàn tiếp xúc các đại biểu Quốc hội, HĐND TP. Mới đây, trong buổi tiếp xúc đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri Trịnh Văn Thành (phường Đại Kim) đã chất vấn: “Vì sao trong quy hoạch quận Hoàng Mai có tới 86 bãi đậu xe nhưng đến nay mới triển khai được 5 bãi xe, 18 bãi xe đang nằm trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, còn 63 dự án còn nằm trên giấy? Phường Đại Kim có trên 60.000 dân hiện chỉ có 2 bãi xe là quá ít, TP cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này?”.

Được biết, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng khi tham dự buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai, Gia Lâm trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã ghi nhận ý kiến này và sẽ chỉ đạo chính quyền TP sớm giải quyết.