Kinhtedothi - Nền kinh tế hiện đại, khoảng cách giữa các địa phương được tính bằng thời gian di chuyển thay chiều dài quãng đường. Do đó, việc lập lại Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 là cần thiết để tăng liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng.
Đặc biệt, điều đó giúp nâng cao chất lượng đời sống người dân do giao thông đi lại được thuận tiện" - Đây là nhận định của ông Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia.
Nút giao thông cầu vượt Mai Dịch. Ảnh: Xuân Chính
|
Ông có thể cho biết tổng quan về hệ thống giao thông Vùng Thủ đô?
- Hiện nay, tổng chiều dài đường bộ trong Vùng Thủ đô là 12.800km, trong đó các tuyến đường cao tốc hướng tâm đang được xây dựng nhưng các quốc lộ hướng tâm chưa được đầu tư nâng cấp. Các giao cắt giữa đường quốc lộ và đường đô thị chưa được kiểm soát và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc và mất trật tự ATGT. Ngoài ra, trong Vùng Thủ đô, hệ thống cầu lớn vượt sông và công trình giao thông đầu mối hỗ trợ vận tải cũng rất thiếu. Với đường sắt, hiện vùng chỉ phụ thuộc vào đường sắt quốc gia, khổ đơn, tốc độ chạy chậm và gây cản trở giao thông khi chạy qua đô thị.
Hà Nội hiện đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông. Vậy, Quy hoạch Vùng Thủ đô có giải quyết được vấn nạn này?
- Thực tế, trong khu vực nội đô Hà Nội, việc di chuyển đã rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Do đó, Quy hoạch Vùng Thủ đô không chỉ tăng liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các vùng, tỉnh mà còn xây dựng hệ thống giao thông đi lại thuận tiện hơn. Giao thông thuận tiện, sống sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí của người dân sẽ được nâng cao. Cụ thể, người dân ven đô có thể về Hà Nội xem phim, tham gia các hoạt động lễ hội, văn hóa lúc 18 giờ và về đến nhà lúc 22 giờ. Áp lực dân số nội đô giảm, các nhu cầu cuộc sống không bị quá tải và giá bất động sản cũng được cân bằng ổn định.
Vì vậy, Quy hoạch Vùng Thủ đô đã đề cập đến việc xây dựng hệ thống giao thông vùng mà trước mắt phải đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, sau đó cân bằng và kết hợp với đường sắt. Làm thế nào để việc đi lại trong Vùng Thủ đô không quá 2 giờ.
Ông có thể nói rõ hơn về ý tưởng Quy hoạch Vùng Thủ đô?
- Đồ án Quy hoạch Vùng Thủ đô đang được lấy ý kiến đóng góp trước khi đưa vào quy hoạch thực tế, dự kiến cấu trúc đường bộ vùng Hà Nội dưới dạng hướng tâm, kết hợp vành đai, nhằm hạn chế tối đa lưu lượng giao thông quá cảnh đi xuyên qua trung tâm TP. Bên cạnh đó, Vùng Thủ đô sẽ hình thành mạng lưới đường cao tốc trong vùng, chú trọng phát triển đường cao tốc theo hành lang kinh tế Đông - Tây. Đồng thời quy hoạch sẽ bổ sung tuyến hướng tâm để hoàn thiện cấu trúc mạng lưới, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối thuận lợi hơn với vùng duyên hải Bắc Bộ. Đặc biệt, để quy hoạch đồng bộ hơn, vùng Thủ đô sẽ nâng cấp đường tỉnh kết hợp xây dựng mới một số tuyến đường để liên thông các tỉnh trong vùng với nhau; xây dựng các trung tâm tiếp vận.
Với mạng lưới đường sắt Vùng Thủ đô sẽ hình thành các tuyến đường sắt nội vùng kết nối Hà Nội với các đô thị lớn. Theo đó, mạng lưới đường sắt nội vùng sẽ được xây dựng mới 8 tuyến và xây dựng đường sắt tốc độ cao đi Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đồng thời, vùng sẽ xây dựng các trung tâm đầu mối trung chuyển tại Ngọc Hồi, Bắc Hồng, Gia Lâm.
Như vậy, với việc quy hoạch xây dựng lại Vùng Thủ đô sẽ là cơ hội để người dân được đi lại thuận tiện, cũng như hưởng nhiều lợi ích khác, nâng chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội để Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 là vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững, đảm bảo an ninh, quốc gia. |