Một số hạng mục nhà chờ không đảm bảo chất lượng bị bong tróc, hoen gỉ, gây bức xúc trong dư luận. Để tìm hiểu thông tin, chúng tôi đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, BRT là 1 trong 3 hợp phần thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được thực hiện từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), gồm nhiều hạng mục như: Xây dựng 21 nhà chờ xe buýt BRT, các điểm đầu cuối, depot, trung tâm quản lý BRT, mua sắm đoàn xe, hệ thống thông tin liên lạc, thẻ vé, đèn tín hiệu ưu tiên và các hạng mục phụ trợ khác... “Hợp phần BRT nói chung và hạng mục xây dựng các nhà chờ xe buýt nói riêng lần đầu tiên được triển khai tại Hà Nội cũng như tại Việt Nam. Trong quá trình thiết kế được thực hiện bởi tư vấn nước ngoài, các thông số kỹ thuật áp dụng cho tuyến BRT Hà Nội phù hợp với các tiêu chuẩn về BRT của các nước trên thế giới và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các chuyên gia WB” - ông Tuấn nhấn mạnh, và cho biết thêm, theo thiết kế, các nhà chờ được bố trí tại khu vực giải phân cách giữa 2 làn đường và trong phương án tổ chức giao thông, xe buýt BRT sẽ chạy trên làn đường dành riêng, các phương tiện khác không được phép chạy vào. Thiết kế nhà chờ có mái đua ra phần làn đường xe chạy là 1,2m, có tĩnh không 4,2m phù hợp với tiêu chuẩn chiều cao xe buýt BRT. Đến nay, các nhà thầu đã thi công và hoàn thành cơ bản phần thô của 21/21 nhà chờ với kinh phí thực hiện khoảng 42 tỷ đồng; Dự kiến sẽ hoàn thành đồng bộ trước khi tuyến BRT đủ điều kiện đưa vào khai thác vận hành trong quý IV/2016.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoàng Tuấn, kể từ khi xây dựng xong phần thô (có cả các nhà chờ xây dựng từ năm 2014) đến nay, các nhà chờ chưa được hoàn thiện và chưa đưa vào khai thác. Do chưa có đơn vị quản lý duy tu, duy trì thường xuyên, nên một số nhà chờ bị bụi bẩn và có chỗ bị hoen gỉ, đặc biệt là nhà chờ thí điểm được xây dựng từ năm 2014 bị hoen gỉ phần sàn thép. Cùng với đó, do chưa tổ chức được làn đường dành riêng nên một số xe ô tô có chiều cao quá 4,2m chạy vào làn đường dành cho xe BRT đã va vào mái đua ra của các nhà chờ gây hư hỏng. Việc này, Sở GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Đầu tư và phát triển giao thông đô thị (đại diện chủ đầu tư) và các nhà thầu lắp đặt biển cảnh báo hạn chế chiều cao tại các nhà chờ. Tuy nhiên, do thiếu quan sát, nên mặc dù đã được cảnh báo hạn chế chiều cao nhưng một số lái xe đã không phát hiện kịp và tiếp tục gây ra va quệt.
Để khắc phục triệt để, Sở GTVT đã yêu cầu Ban QLDA, đơn vị tư vấn thiết kế, bổ sung thiết kế phần công son cảnh báo từ xa giúp cho lái xe phát hiện và phòng tránh kịp thời. Việc này sẽ được thực hiện thí điểm trước tại 5 nhà chờ hay bị xe tải va chạm và sẽ thực hiện xong trước ngày 15/4/2016. Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu sửa chữa các mái nhà chờ bị hỏng xong trước 15/4/2016 và tổ chức thi công hoàn thiện 21 nhà chờ theo đúng thiết kế được duyệt xong trước ngày 15/5/2016 để bàn giao cho đơn vị quản lý khai thác.
Liên quan đến tiến độ triển khai dự án bị chậm, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, việc triển khai hợp phần buýt BRT được thực hiện theo các thủ tục đấu thầu quốc tế và phải tuân thủ theo đúng các yêu cầu của hiệp định đã ký; các bước triển khai chịu sự giám sát chặt chẽ của WB, vì vậy một số gói thầu tiến độ triển khai còn chậm như gói thầu cung cấp đoàn xe BRT, dự kiến đến tháng 7/2016 mới hoàn thành; gói thầu mua sắm và lắp đặt hệ thống vé, quản lý đội xe đang trong giai đoạn chấm thầu. Hiện nay, Sở GTVT đang phối hợp với các chuyên gia của WB rà soát các công việc còn lại của dự án để có biện pháp đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành và tiến hành chạy thử vào quý III/2016, quý IV/2016 sẽ vận hành chính thức tuyến buýt BRT.
Một nhà chờ xe buýt nhanh trên đường Giảng Võ.
|