Giúp nông dân vượt khó
Hơn 10 năm trước, ông Ngô Xuân Thủy, thôn Thúy Lĩnh, Phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đã mạnh dạn thầu 7.500m2 ruộng trũng, sản xuất kém hiệu quả của địa phương để xây dựng trang trại. Ban đầu, với số vốn ít ỏi, ông Thủy chỉ nuôi 4 con bò sữa, 50 con lợn. Năm 2011, ông Thủy được vay 200 triệu đồng từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội để phát triển sản xuất. Ông cho biết, hiện trang trại của ông có 250 con lợn và 30 con bò sữa, trong đó có hơn 10 con đang cho thu hoạch với sản lượng 250kg sữa/ngày. Thu nhập của trang trại năm 2012 gia đình ông thu về 400 triệu đồng.
Nhờ vốn vay của Quỹ Khuyến nông Hà Nội, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đã làm giàu thành công từ mô hình trồng cây cảnh.Ảnh: Quang Thiện
Hà Nội hiện là địa phương duy nhất trên cả nước xây dựng được Quỹ Khuyến nông. Trong 10 năm hoạt động (2003 - 2013), Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân cho 2.079 lượt hộ vay vốn, với tổng số vốn quay vòng là 259,425 tỷ đồng. Qua đó, giải quyết việc làm cho khoảng gần 6.500 lao động ở khu vực nông thôn với thu nhập bình quân 2 - 3 triệu đồng/tháng, tạo ra gần 800 tỷ đồng hàng hóa nông sản an toàn. Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, ngoài Quỹ Khuyến nông, trong 20 năm qua, hoạt động khuyến nông trên địa bàn TP còn có 9 điểm nhấn khác gồm: Chương trình giống lúa nhân dân, gieo thẳng lúa bằng công cụ kéo tay, mạ khay - máy cấy, Sind hóa đàn bò...
Tại Hội nghị tổng kết 20 năm ngành khuyến nông Việt Nam diễn ra vào sáng 27/2, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong vòng 20 năm qua (1993 - 2013), hệ thống khuyến nông cả nước đã tổ chức được trên 6.000 lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật sản xuất cho hơn 210.000 lượt nông dân. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trình diễn khuyến nông. Qua đó, tác động tích cực tới sản xuất và đời sống của nông dân. Đơn cử, thông qua chương trình khuyến nông, từ chỗ có diện tích chưa đáng kể, đến nay diện tích gieo cấy lúa lai cả nước đạt 650.000 - 700.000ha/năm, góp phần tăng sản lượng thóc 1,2 triệu tấn/năm;...
Tiếp tục đổi mới hoạt động
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng hoạt động của hệ thống khuyến nông trong thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Mô hình tổ chức khuyến nông ở các địa phương chưa đồng nhất, năng lực của đội ngũ cán bộ khuyến nông chưa đồng đều. Đặc biệt, nguồn lực cho hoạt động này còn thấp, bình quân kinh phí khuyến nông đầu tư cho mỗi hộ nông dân năm 2012 mới đạt 50.000 đồng/hộ. Trong khi đó, sự gắn kết giữa nguồn lực T.Ư và địa phương, Nhà nước và tư nhân chưa chặt chẽ dẫn tới đầu tư còn dàn trải, phân tán.
Để nâng cao hiệu quả khuyến nông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đề nghị, trong thời gian tới, cần chuyên môn hóa hoạt động đào tạo. Cụ thể, cấp T.Ư tập trung đào tạo cán bộ cấp tỉnh, huyện để cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới trong và ngoài nước. Việc đào tạo khuyến nông sẽ được giao cho cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, TP. Cùng với đó, việc đầu tư, triển khai các mô hình khuyến nông cần có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm thực tế của từng địa phương. Ngoài ra, nên cân đối hỗ trợ đầu tư một cách đồng bộ, gắn phát triển sản xuất với chế biến và tiêu thụ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong thời gian tới, cùng với yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, hoạt động khuyến nông cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp. Trong đó, khuyến nông phải kết nối được sản xuất của nông dân với khoa học công nghệ và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ giống cây, con, vốn và đầu ra cho nông sản, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia của từng địa phương. |