Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy tắc hướng tới cái đẹp

Thục Trinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày nay, dư luận cứ lao xao về chuyện mặc trang phục, dùng nước hoa, mỹ phẩm, xăm hình… được cụ thể trong một bộ quy tắc dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan Nhà nước thuộc TP Hà Nội.

Người thì cho quy định ấy là thừa, người lại nói quy định ấy không khả thi, thậm chí có người còn nghi ngờ quy định ấy vi phạm quyền tự do cá nhân của mỗi người… Nhưng cứ điềm đạm “vào vai” một người Hà Nội thời hiện đại, hay cụ thể là một công chức Hà Nội, sẽ thấy sự hiện diện của những quy tắc ấy không đến mức phải… lao xao.
 Ảnh minh họa
Những người xây dựng Bộ quy tắc cũng có cái lý của họ khi đặt bút soạn thảo những tiêu chí dành cho người cán bộ, công chức Thủ đô. Và họ cũng không quá hồ đồ khi “chấm” những yếu tố ấy, bởi bộ quy tắc này đã được nâng lên đặt xuống, lấy ý kiến góp ý bao lần. Như một trong những người khởi xướng thực hiện bộ quy tắc này từ những ngày đầu nhìn nhận: Quy tắc chỉ là một sự nhắc nhở thôi, nhưng nhiều khi lại “thấm” hơn các mức phạt, vì nó thường xuyên ngay bên cạnh mỗi người. Mà thường lời nhắc nhở luôn nằm ở những điều giản dị của cuộc sống như ăn mặc, nói năng, trang điểm, uống bia rượu, hút thuốc lá…
Lại cũng phải nhìn nhận từ thực tế, thời gian gần đây đã xảy ra những vụ việc để lại điều tiếng không lấy gì làm đẹp cho giới công chức Thủ đô. Dù ai cũng hiểu đó là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng vẫn cần có những động thái chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời để lối ứng xử văn minh, thanh lịch trở thành tiên phong trong giới công chức, viên chức, cán bộ Nhà nước. Có khó khăn gì đâu chuyện thực hiện quy tắc, bởi nói năng chuẩn mực, trang phục lịch sự, không uống rượu bia trong giờ làm việc, không hút thuốc lá trong phòng làm việc… đã là những điều quen thuộc với người Hà Nội bấy lâu nay. Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội không vô lý khi tự tin khẳng định: “Đã là công chức, viên chức thì phải gương mẫu thực hiện. Đâu phải cứ có chế tài xử lý mới được, mà tự trọng, ý thức của con người là những điều còn quan trọng hơn nhiều! Tôi tin bộ Quy tắc ứng xử ở Hà Nội sẽ khả thi, vì đây đều là những điều tốt đẹp”. Hơn thế, nhà quản lý văn hóa còn thể hiện sự cầu thị: Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng sẽ tiếp thu để chỉnh sửa cho phù hợp hơn…             
Không có gì thay đổi, thì ngày đầu tiên của năm mới 2017, Bộ quy tắc ứng xử sẽ chính thức “đi” vào các cơ quan, công sở. Mỗi người chỉ cần tâm niệm trong lòng rằng “Mình là người Tràng An, mình là người Hà Nội” là mọi lời ăn tiếng nói, cử chỉ, trang phục, đồ trang sức… đều đi vào quy chuẩn của quy tắc một cách hết sức tự nhiên và nhẹ nhàng. Sự văn minh thanh lịch mà người Hà Nội đang nỗ lực dựng xây bắt nguồn từ những hành động rất nhỏ như vậy.