Để bạn đọc hiểu hơn về lộ trình để có thể đi tới quyết định lựa chọn một phương án tối ưu cho cầu vượt giao thông Ô Chợ Dừa, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội về vấn đề này.
Đến thời điểm này, dư luận còn có những ý kiến băn khoăn về việc tại sao phải xây dựng cầu vượt qua khu vực dấu tích Đàn Xã Tắc?
- Yêu cầu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm của TP và được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng giao thông vận tải, các nút giao giữa các đường vành đai và các trục giao thông hướng tâm đều phải xử lý bằng giải pháp giao thông khác mức để đảm bảo điều kiện thông xe, giảm ùn tắc. Đối với các nút giao giữa Vành đai 1 giao với các trục đường hướng tâm như: Đường Bạch Mai - Phố Huế, đường Giải phóng - Lê Duẩn, đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng, đường Giảng Võ - Láng Hạ, đường Nguyễn Chí Thanh, theo quy hoạch đều xác định sẽ xây dựng các nút giao khác mức. Trong đó nút giao cắt đường Giải Phóng - Lê Duẩn đã xây dựng hầm chui (hầm Kim Liên), nút giao Bạch Mai đang xây dựng cầu vượt. Các nút giao khác còn lại trên đường Vành đai 1 cũng đang được hoàn thiện theo Dự án mở đường Vành đai 1 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Nút giao Ô Chợ Dừa là nút giao quan trọng thuộc đường Vành đai 1 giao với trục đường hướng tâm có lưu lượng giao thông lớn, là một trong các điểm "đen" về ùn tắc hiện nay cần phải giải quyết và cũng là dự án trọng điểm phải khẩn trương triển khai theo kế hoạch của TP.
Thời điểm năm 2005, triển khai tuyến Vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa (sau này gọi là đường Xã Đàn), khi triển khai thi công đến nút giao này đã phát hiện dấu tích Đàn Xã Tắc và dự án đã phải dừng một thời gian để tiến hành những công việc cần thiết liên quan đến việc bảo vệ di sản. Thời điểm đó, Bộ VH - TT nay là Bộ VHTT&DL đã phê duyệt một khu vực bảo vệ di tích lịch sử dấu tích Đàn Xã Tắc, trong đó có xác định vùng bảo vệ cấp 1. Bộ VH - TT và UBND TP Hà Nội với một số bộ, ngành khác dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã thống nhất giải pháp lấp cát để bảo vệ và cho phép xây dựng đường giao thông đi qua ranh giới khu vực bảo vệ cấp 1. Để khẳng định dấu tích của Đàn Xã Tắc, TP đã bố trí thảm xanh có tính chất là đảo giao thông và có lưu dấu bằng hiện vật (tảng đá).
Xây cầu vượt tại nút giao Ô Chợ Dừa là giải pháp để giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường Vành đai 1. Ảnh: Hải Linh
Đến năm 2007, đầu năm 2008, triển khai tiếp tuyến Vành đai 1 đoạn từ Ô Chợ Dừa - đến Láng Hạ. Trong giai đoạn này, TP đã phê duyệt quyết định chuẩn bị đầu tư cầu vượt trực thông (nổi) phù hợp quy hoạch. Trên cơ sở đó, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội tiến hành nghiên cứu lập dự án đầu tư từ đó đến nay với thời gian khoảng 5 năm. Có rất nhiều phương án nghiên cứu hình thức nút giao khác mức (khoảng 5 nhóm phương án, trong đó có cả nghiên cứu đi ngầm) đã được đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đề xuất để xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch, giao thông và phương án chọn hiện nay (xây dựng cầu vượt) theo hướng đường Vành đai 1 cơ bản đã được Tổ chuyên gia đầu ngành, Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Thủ đô xem xét, thống nhất vì đảm bảo được các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật kết hợp bảo tồn và khả thi.
Như vậy, chủ trương về việc làm một cầu vượt khác cốt đã qua cả một quá trình và chỉ có giải pháp này mới giải quyết được vấn đề giao thông tại khu vực, tránh sự hỗn loạn, ùn tắc, và đã được xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng.
Như ông cho biết thì việc thực hiện giải pháp khác cốt tại nút giao Ô Chợ Dừa là điều tất yếu, vậy, trong các giải pháp đưa ra đã tính chuyện làm thế nào để "tránh" khu vực dấu tích Đàn Xã Tắc càng xa càng tốt không?
- Thành phố đã giao Chủ đầu tư và Sở QH - KT thành lập một Tổ chuyên gia kỹ thuật với sự tham gia của các chuyên gia cao cấp, đầu ngành, đơn vị tư vấn chuyên về phát triển giao thông và một số chuyên gia nữa. Sau khi Bộ VHTT&DL có Văn bản số 2461/BVHTTDL-DSVH ngày 3/8/2011 thống nhất phương án xây dựng và cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa (phương án 2). Ngày 9/9/2011, Tổ Chuyên gia kỹ thuật tuyển chọn phương án cầu vượt đã tiếp tục tổ chức cuộc họp (lần 3) để nhận xét, góp ý cho các phương án thiết kế cầu vượt.
Có 5 nhóm phương án xem xét gồm:
Phương án 1: Cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1, cầu vượt tách làm 2 nhánh (tim nhánh khác tim tuyến chính) khi đi qua phạm vi bảo tồn dấu tích Đàn Xã Tắc cầu được thiết kế thành 2 nhánh song song với tim tuyến chính.
Phương án 2: Cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1, tuyến đi lệch về phía đường Tôn Đức Thắng (phía bắc của nút), cầu được thiết kế 1 nhánh, tim dọc cầu trùng với tim tuyến.
Phương án 3: Cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1, tuyến đi lệch về phía đường Nguyễn Lương Bằng (phía nam của nút), cầu được thiết kế 1 nhánh, tim dọc cầu trùng với tim tuyến.
Phương án 4: Cầu vượt trực thông theo hướng đường xuyên tâm Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng, cầu được thiết kế 1 nhánh vượt qua đường Vành đai 1.
Phương án 5: Hầm đường bộ trực thông theo hướng đường Vành đai 1 đi ngầm bên dưới khu vực bảo tồn dấu tích Đàn Xã Tắc.
Trong đó, phương án 1, hướng cầu vượt từ đường Xã Đàn xuyên ra Ô Chợ Dừa, đi theo hướng tuyến của Vành đai 1 nhưng đến khu vực Đàn Xã Tắc thì tách làm đôi, sau khi vượt qua ngã tư thì lại chập lại làm một. Phương án này được đưa ra nhằm tránh khu vực dấu tích của Đàn Xã Tắc. Theo đánh giá của Tổ chuyên gia kỹ thuật, phương án này không hợp lý vì "bành trướng", việc cầu được xẻ làm hai nhánh rồi lại chập vào vô tình tạo nên sự kìm kẹp không gian ghi dấu tích của Đàn Xã Tắc. Phương án 3, cũng đi theo đường Vành đai 1, chỉ là một cầu, lệch về hướng nam của nút, bắt vào hướng tuyến mở theo Ô Chợ Dừa - Láng Hạ đang được giải phóng mặt bằng. Phương án này cũng hướng tới mục tiêu tránh khu vực dấu tích của Đàn Xã Tắc. Phương án này tránh hẳn sang phía nam của đường Xã Đàn, giáp về phía Nguyễn Lương Bằng. Tuy nhiên, trục đường Xã Đàn lại lệch với trục đường đang được mở tiếp Ô Chợ Dừa - Láng Hạ. Hai đoạn tuyến của Vành đai 1 này không tạo thành một đường thẳng qua nút giao Ô Chợ Dừa. Với điều kiện này, khi thực hiện phương án cầu đi về phía Nam thì cầu lại có hình thái cong queo, ngoằn ngèo, không phù hợp.
Phương án 4, nghĩ đến một hướng tuyến đi theo hướng xuyên tâm nhưng cầu sẽ rất dài vì phải vượt luôn cả hai nút (ngã 6). Mặt khác, tuyến xuyên tâm Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng chưa được mở rộng lộ giới đường. Nếu đi theo phương án này thì lại phải giải phóng mặt bằng cực lớn, cầu dài, bất khả thi. Phương án này có ưu điểm là tránh xa Đàn Xã Tắc nhưng quá tốn kém (gần 500 tỷ đồng), thêm vào đó lại có một vấn đề là cột của cầu lại trùng với một tuyến đường ống cống rất lớn ở đường Tôn Đức Thắng nối với Xã Đàn.
Phương án 5 tính đến việc đi ngầm theo Vành đai 1, tương tự như đường hầm Kim Liên. Tổ chuyên gia kỹ thuật cũng như các nhà sử học đều không chấp nhận phương án này bởi đi ngầm qua dấu tích Đàn Xã Tắc có nhiều rủi ro khi tiến hành đào ngầm, có thể phá vỡ tầng di tích.
Phương án 2, phương án được chọn, tạo nên đường cong mềm mại, lệch phía bắc của tuyến (về phía đường Tôn ĐứcThắng). Khu vực hướng tuyến này đạt được một yêu cầu rất quan trọng đó là cơ bản chuyển tiếp tốt giữa trục tim tuyến của đường Xã Đàn với trục tim tuyến Ô Chợ Dừa - Láng Hạ, khắc phục việc lệch tim của hai đoạn tuyến. Phương án 2 có ưu điểm hơn về kinh phí đầu tư xây dựng, phạm vi GPMB, mức độ ảnh hưởng đến dấu tích Đàn Xã Tắc là nhỏ và đã được Bộ VH, TT&DL tiếp tục thống nhất tại văn bản số 2511/BVHTTDL-DSVH ngày 25/7/2012. Đồng thời đã hạn chế tối đa không phải giải phóng mặt bằng phạm vi nút và giảm thiểu tối đa tránh sự ảnh hưởng đến nhà dân.
Có thể mường tượng về quy mô, hình ảnh trong tương lai của cây cầu vượt này như thế nào?
- Cầu vượt chuẩn như cầu Nguyễn Chí Thanh phải có bề mặt rộng 16m. Để đảm bảo cho 4 làn xe cơ giới, cộng thêm dải phân cách trung tâm, theo quy định phải 16m, vì mỗi làn là 3,5m, đây là theo quy chuẩn của ngành Giao thông Vận tải. Phương án chọn có thành cầu cách nhà dân 5m và có tường chắn để giảm tiếng ồn. Như vậy, phương án cầu vượt đã cân đối giữa việc tác động đến nhà dân trong khu vực tác động và khu vực dấu tích của Đàn Xã Tắc.
Nếu tính về hình chiếu từ mép cầu vượt thì chờm vào khu vực dấu tích của Đàn Xã Tắc (thảm cỏ xanh nơi đặt tảng đá dấu tích) ở trên không khoảng 1,5m. Để hạn chế tác động cho cả hai phía, bề mặt cầu "rút gọn"còn 14,5m và dải phân cách trung tâm của cầu chỉ là một đường cứng nhưng vẫn đảm bảo bố trí 4 làn xe, mỗi làn rộng 3,25m, vẫn đáp ứng tiêu chuẩn về tốc độ thiết kế. Cột và mố cầu đều không ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ cấp một của khu vực có dấu tích Đàn Xã Tắc. Không có hạng mục nào vi phạm ranh giới thông qua việc định vị hướng tuyến, định vị mố cầu, cột vượt khẩu độ qua khu vực bảo vệ cấp một.
Như vậy, cầu vượt chỉ vượt lên trên không gian tầng 2 nằm trong lộ giới đường giao thông đã thi công tầng 1, với hình chiếu mép trái của cầu chờm vào thảm cỏ xanh 1,5m. Khúc vượt qua ngã tư Ô Chợ Dừa là 3 nhịp thép lớn, dài 60m. Hình thức kiến trúc của cầu sẽ được lựa chọn kỹ càng ở giai đoạn nghiên cứu tiếp theo.
Cùng với quy trình xác lập phương án được tổ chức một cách chặt chẽ, công phu, các giải pháp kỹ thuật này đều đã được Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ VHTT&DL thống nhất bằng văn bản. Phương án của cầu sau khi được tổ chuyên gia kỹ thuật chấp thuận đã tiếp tục được đưa ra Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch Thủ đô và nhận được sự đồng thuận 100%.
Xin cảm ơn ông!
Yếu tố bảo tồn cần được xem xét cùng với yếu tố phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Cầu vượt này về bản chất là tầng 2 của con đường, được đầu tư đồng bộ với đường. Các cột và mố cầu đều tránh ranh giới bảo vệ cấp 1. Khi xem xét các phương án, khu vực bảo tồn cấp 1 của dấu tích Đàn Xã Tắc luôn được coi trọng, nhưng cũng phải hài hòa, tránh giải phóng mặt bằng nhiều lần đối với nhà dân, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn. |