Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyền lực của bộ tứ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi dầu bắt đầu xuống giá hồi cuối tháng 6, “vàng đen” đã mất tới 30% giá trị và biến phiên họp của bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hôm 27/11 tại Vienna (Áo) trở thành tâm điểm chú ý của thị trường và chính trường toàn cầu.

Cách đây 6 năm, trong phiên họp của OPEC diễn ra hồi tháng 9/2008, lãnh đạo tổ chức này đã khẳng định, việc giá dầu có thể xuống dưới mức 80 USD/thùng là ảo tưởng. Và nay, tình trạng thừa cung do kinh tế toàn cầu trì trệ và thành quả từ cuộc cách mạng khí đá phiến của Mỹ đã khiến bộ phim viễn tưởng ấy trở thành sự thật. Chỉ có điều, việc giá dầu giảm đã làm suy yếu nguồn lực về kinh tế của một số quốc gia vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu năng lượng nhưng cũng đồng thời làm tăng sức mạnh của những quốc gia khác và dẫn đến những thay đổi địa chính trị quan trọng. Nga, Iran, Venezuela đang là những nạn nhân lớn nhất, trong khi vị thế của Mỹ gia tăng tỷ lệ thuận với sản lượng khí đá phiến.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Ali Al Naimi, người gánh vác trọng trách cân bằng cung cầu dầu mỏ toàn cầu suốt gần hai thập kỷ qua cho biết, nhóm bộ tứ (Ả Rập Saudi, Kuwait, Qatar và UAE) chưa sẵn sàng để ngăn chặn tình trạng thừa cung. Thực ra, với nguồn dự trữ quốc gia lên tới 2.500 tỷ USD, nhóm bộ tứ không cần phải quan tâm đến những diễn biến trên thị trường dầu, đó là chưa kể các quốc gia này đều là đồng minh thân cận của Mỹ, phương Tây. Vì thế, không ngạc nhiên khi trong cuộc gặp hôm 25/11, nhóm đã quyết định không giảm sản lượng dầu bất chấp yêu cầu OPEC phải hành động trước khi quá muộn từ đại diện Nga, Iran, Venezuela và cho biết sẽ chỉ tiến hành một cuộc họp thảo luận về giá dầu trong 3 tháng tới.

Bất kể quyết định của OPEC ra sao thì dầu sẽ vẫn tiếp tục giảm giá bởi “vàng đen” đang không vận hành theo bất kỳ một cơ chế nào của thị trường mà bị chi phối bởi những toan tính khác nhau nhằm vẽ lại bức tranh địa chính trị toàn cầu. Thậm chí, các chuyên gia còn dự báo, dầu có thể chạm mức đáy 60 USD/thùng trước khi bật tăng trở lại. Tất nhiên, thời gian của chu kỳ giảm giá dầu hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của bộ tứ quyền lực trong OPEC và các đồng minh.