Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết định sai có thể bị truy cứu trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/4, cho ý kiến Dự án Luật đầu tư công, các ĐB Quốc hội chuyên trách đã nhấn mạnh đến quy định xử lý trách nhiệm liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư công và đề nghị có chế tài mạnh với đầu tư công sai, thất thoát, lãng phí.

Quy định như “dòng sông êm đềm”

Theo Dự thảo Luật mới nhất, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được vốn để thực hiện gây thất thoát, lãng phí do lỗi mình gây ra phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Nhận xét lĩnh vực đầu tư công vốn nhiều tai tiếng, thất thoát, tham nhũng làm xói mòn niềm tin của Nhân dân, ĐB Ngô Văn Minh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét: Quyết định chủ trương đầu tư sai là gốc của lãng phí tham nhũng, do thế phải xử lý. Tuy nhiên, ở đây là có dấu hiệu phạm tội, nếu chỉ nói phải bồi thường thiệt hại và kỷ luật là không đúng mà phải xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đại biểu Quốc hội góp ý vào Dự án Luật Đầu tư công. Ảnh: Nguyễn Trường
Đại biểu Quốc hội góp ý vào Dự án Luật Đầu tư công. Ảnh: Nguyễn Trường
Với nhận xét quy định về trách nhiệm tại Dự thảo Luật vẫn như "dòng sông êm đềm không vướng víu", ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần phải phân định rõ trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư và quyết dự án cụ thể. Bởi có dự án được trình Quốc hội quyết chủ trương nhưng trên thực tế ĐB không nắm được đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định chính xác. Đồng thời hàng năm, địa phương phải báo cáo công trình nào đầu tư sai không hiệu quả để khắc phục, đi liền với xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Luật phải khắc phục chuyện chạy dự án

Nhiều ý kiến muốn làm rõ tính khả thi của các quy định và phải dứt khoát khắc phục tình trạng các công trình đầu tư xây dựng phân tán, dở dang, hết vốn, hiệu quả thấp... ĐB Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) đặt vấn đề: Luật phải khắc phục chuyện chạy dự án khiến tiêu hao nguồn lực ngân sách. Các quy định phải tính toán đủ sức chặn sự dàn trải, kém hiệu quả. ĐB Trương Văn Vở (Đoàn Đồng Nai) góp ý: Đánh giá hiệu quả đầu tư công phải xem xét toàn diện cả khía cạnh, kinh tế, xã hội, môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, quyết định chủ trương và quyết định dự án đầu tư là hai việc khác nhau. "Luật làm sao phải minh bạch được điều này". Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Chỉ có một số loại công trình nhất định mới phải quyết định chủ trương đầu tư. Quyết định chủ trương thuộc thẩm quyền của cơ quan dân cử, tập thể Chính phủ… trong khi phê duyệt dự án đầu tư cụ thể là thẩm quyền của thủ trưởng, trưởng ngành, sau khi đã có chủ trương, có thông số được tính toán cụ thể. Cái này luật phải làm rõ. Xử lý trách nhiệm ở đây là xem xét trách nhiệm cá nhân của người phê duyệt quyết định đầu tư cụ thể. Về nguyên tắc, Quốc hội không quyết định dự án cụ thể, đó là việc của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh… Cơ quan lập pháp không lấn sang "sân" hành pháp".