Đừng quá kỳ vọng vào G20
Tại G20, các nước tham dự sẽ tập trung thảo luận 6 vấn đề quan trọng, mang tính toàn cầu: khôi phục sự tăng trưởng; cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế; cải cách sự lãnh đạo thế giới; đấu tranh chống lại sự gia tăng đột biến về giá cả nông nghiệp thực phẩm; điều chỉnh thị trường tài chính; và tăng cường hỗ trợ tài chính đối với sự phát triển. Về nội dung này, theo Ngân hàng Thế giới (WB), một ưu tiên mới sẽ dành cho cuộc chiến chống lại sự đói nghèo được đặt ra với 4 nội dung lớn, cũng được xem là 4 thách thức cần giải quyết. Đó là củng cố các cơ sở hạ tầng; tăng cường đầu tư cho châu Phi, chí ít là có thể đảm bảo 50% nhu cầu hàng năm của châu lục này, ước tính khoảng 93 tỷ USD; củng cố an ninh lương thực, mà mấu chốt là tăng sản xuất nông nghiệp lên 70% vào năm 2050 nhằm đảm bảo nhu cầu cho khoảng 9 triệu người và mở rộng bảo trợ xã hội.
Trên thực tế, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn sử dụng hội nghị G20 để huy động sự ủng hộ quốc tế đối với kế hoạch cứu trợ tài chính của châu Âu, trong đó có cả khả năng đóng góp tài chính của những nước có khoản dự trữ ngoại tệ lớn như Trung Quốc, Brazil và Hàn Quốc. Tuy nhiên, một số người cho rằng sẽ là sai lầm nếu hy vọng quá nhiều vào hội nghị lần này. G20 vẫn có thể tiến hành những bước cụ thể để hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế. Uri Dadush, một nhà kinh tế của ĐH Carnegie nói, G20 có thể cam kết thúc đẩy sức mạnh tài chính của IMF để thuyết phục các thị trường rằng các nền kinh tế lớn như Italia sẽ không được phép sụp đổ.
EU thành... trò đùa?
Trước khi các nhà lãnh đạo châu Âu có thể gây sức ép buộc Thủ tướng Hy Lạp Papandreou từ bỏ ý tưởng trưng cầu dân ý về gói cứu trợ có thể gây hại cho toàn bộ khu vực đồng Euro. Những kịch bản bắt đầu được vẽ ra, kể cả những kịch bản tồi tệ nhất. Nếu cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành và người Hy Lạp nói "có" với kế hoạch cứu trợ, lộ trình giải quyết khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thể tiếp tục tiến hành nhưng đó vẫn sẽ là một vết sẹo đối với EU bởi nó tạo ra một tiền lệ xấu là bất cứ một thành viên nào cũng có cơ hội biến những nỗ lực của cả khối thành trò đùa. Nếu người Hy Lạp nói "không", rất nhiều bi kịch sẽ đến. Gần như ngay lập tức, Hy Lạp sẽ bị buộc ra khỏi khu vực đồng Euro và nền kinh tế Hy Lạp sẽ lập tức sụp đổ. Trước mắt, chỉ riêng việc châu Âu tạm ngưng cấp khoản 8 tỷ Euro dự kiến vào giữa tháng 11 cũng đủ khiến nước này không có khả năng trả nợ.
Trong khi đó, khu vực đồng Euro cũng khó tránh bi kịch. Điều quan trọng hơn với châu Âu là cứu Hy Lạp để tránh khủng hoảng lây lan và tạo thành hiệu ứng domino trong khu vực. Vì thế, nếu Hy Lạp sụp đổ, nguy cơ rất lớn tiếp theo sẽ đến với Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức khẳng định muốn Hy Lạp tiếp tục ở lại Eurozone, nhưng cảnh báo Hy Lạp không được phép "tự mình chèo thuyền theo một hướng".