Quyết liệt bảo đảm ATGT

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tập trung xử lý mũ bảo hiểm kém chất lượng, huy động lực lượng đảm bảo TTATGT từ cơ sở gắn trách nhiệm người đứng đầu, thành lập các đoàn kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT ở 33 địa phương có số người chết vì TNGT gia tăng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3.

Đầu năm TNGT diễn biến phức tạp

Ngày 27/2, Bộ trưởng, Bộ GTVT-Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp giao ban công tác bảo đảm TTATGT trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm và  công tác trọng tâm trong tháng 3 với các thành viên Ủy ban. Trong 2 tháng đầu năm cả nước đã xảy ra 5.636 vụ TNGT, làm chết 1.973 người, bị thương 5.794 người; so với 2 tháng đầu năm 2012 giảm 746 vụ (-11,69%), tăng 298 người chết (+17,79%), giảm 1.096 người bị thương (-15,91%). Tháng 2 có 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại tăng đột biến, mặc dù đã có nhiều giải pháp song tình hình TTATGT diễn biến rất phức tạp, TNGT gia tăng cả 3 tiêu chí.

 
Quyết liệt bảo đảm ATGT - Ảnh 1

Người vi phạm sẽ được nộp phạt trực tiếp.

 

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong tháng 2 cả nước xảy ra 2.933 vụ, làm chết 1.057 người, bị thương 3.066 người. So với tháng 2 năm 2012 tăng 169 vụ (+6,11%); tăng 323 người chết (+44,01%); tăng 344 người bị thương (+12,64%). So với tháng 01/2013 tăng 230 vụ (+8,51%), tăng 141 người chết (+15,39%), tăng 338 người bị thương (+12,39%). Trong đó đường bộ xảy ra 2.895 vụ, làm chết 1.035 người, bị thương 3.044 người; đường sắt xảy ra 34 vụ, làm chết 20 người, bị thương 21 người; đường thủy xảy ra 3 vụ, làm chết 2 người, bị thương 1 người. Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển mô tô, xe gắn máy phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường, uống rượu bia điều khiển xe, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định... Đặc biệt TNGT xảy ra nhiều tại các vùng nông thôn, các đường liên huyện, liên xã. 18 tỉnh tăng cả 3 tiêu chí về TNGT, 4 tỉnh tăng từ 1 đến 10%, 10 tỉnh tăng từ 10 đến 30%, 23 tỉnh có số người chết tăng trên 30% và đặc biệt có 4 tỉnh tăng trên 100% là Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Yên Bái và An Giang. Tính riêng trong 9 ngày nghỉ Tết cả nước xảy ra 373 vụ, làm chết 314 người, bị thương 387 người. So với 9 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 giảm 10 vụ; tăng 5 người chết; tăng 29 người bị thương.

 Tuy vậy, nhiều  địa phương giảm TNGT  dịp này, trong đó có Hà Nội. Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước, trong và sau Tết Nguyên đán trên địa bàn kéo giảm được TNGT là nhờ các giải pháp như: gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm; các tổ 141 duy trì hoạt động hiệu quả; Ban ATGT Thành phố kiểm tra các trường học về việc điều chỉnh giờ học và các cổng trường chưa bảo đảm an toàn và được ghi lại hình ảnh, hệ thống cầu vượt nhẹ đã góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông...

Tiếp tục các giải pháp quyết liệt

Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia  Đinh La Thăng đã yêu cầu Văn phòng Ủy ban cần phân tích sâu hơn nữa các tiêu chí TNGT, so sánh TNGT xảy ra trên QL, đường tỉnh, đường liên huyện, tỉ lệ người đội MBH... để Ủy ban đưa ra những giải pháp đúng, hiệu quả nhằm kéo giảm TNGT ở từng giai đoạn, từng thời kỳ. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trong tháng  3 cần tập trung một số giải pháp trọng điểm sau: Khẩn trương mở hội nghị học tập kinh nghiệm của Hà Nội trong việc phối hợp các lực lượng làm công tác bảo đảm TTATGT; Tổ chức ngay các đoàn kiểm tra làm việc với 33 địa phương gia tăng TNGT trong 2 tháng vừa qua, cùng địa phương xác định nguyên nhân, tìm các giải pháp tháo gỡ kịp thời; triển khai cao điểm xử lý các cửa hàng, mua bán, sản xuất mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, các loại mũ nhái mũ bảo hiểm; chấn chỉnh hoạt động taxi, rút giấy phép đối với các hãng taxi không chấp hành các quy định như bến bãi... đồng bộ hóa tín hiệu giữa các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt; tổ chức 2 đoàn tổng kiểm tra, rà soát lại hệ thống biển báo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sau đó sẽ triển khai ở tất cả các địa phương trên cả nước; kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe để học viên gây TNGT.

Công tác tuyên truyền thực hiện tập trung ở cơ sở thôn, xã, phường đến từng hộ dân gắn liền với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa. Bộ trưởng  giao Văn phòng Ủy ban dự thảo quy chế phối hợp với T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về tuyên truyền đảm bảo TTATGT trên dọc QL 1A, QL 14 và ký kết với Hội Nông dân Việt Nam, sơ kết quy chế phối hợp với T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tìm những điển hình và nhân rộng.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức xây dựng phương án bảo đảm giao thông cho Lễ hội Đền Hùng chuẩn bị đón nhận di sản thế giới vào đúng ngày Giỗ tổ Hùng Vương và yêu cầu Sở GTVT Hà Nội chuẩn bị phương án sửa chữa cầu Chương Dương hiện đang xuống cấp. Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng Ủy ban gửi thư khen ngợi Ban Thời sự - Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, TTXVN và Cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương vì đã có nhiều đóng góp trong đợt tuyên truyền bảo đảm TTATGT trong thời gian qua và xử lý mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn.

 
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Văn phòng Ủy ban làm tờ trình để kiến nghị Thủ tướng cho người vi phạm được đóng tiền phạt trực tiếp mà không phải về đóng tại Kho bạc như hiện nay nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu cực giữa người thi hành nhiệm vụ và người vi phạm cũng như giảm thủ tục cho người dân. Đồng thời đầu tư trang thiết bị như: máy đo nồng độ cồn cho cảnh sát giao thông, âm ly, loa đài, phương tiện, thiết bị cho lực lượng TTGT từ nguồn xử phạt ATGT hoặc từ các nguồn vốn khác.

 Ông Nguyễn Hoàng Hiệp- Phó Chủ tịch chuyên trách Uy ban ATGT Quốc gia cho biết: Chưa năm nào tình hình TTATGT được cập nhật liên tục như Tết Quý Tỵ vừa qua, 13 số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban được công bố, đã tiếp nhận hàng ngàn cuộc điện thoại, tin nhắn của nhân dân phản ánh về TNGT, tình trạng ùn ứ giao thông công tác vận tải, đường bộ, đường sắt... Ủy ban ATGT quốc gia đã phối hợp với cơ quan chức năng ở T.Ư và địa phương giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân.