Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết liệt trong xây dựng trường chuẩn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thay vào các lớp học bị xuống cấp là những ngôi trường, lớp học khang trang, sạch đẹp. Có trường học mới, học sinh không còn phải học nhờ, nhưng những nhà quản lý giáo dục ở huyện Phúc Thọ vẫn chưa vơi nỗi lo về chuyện trường lớp.

Không còn cảnh học nhờ

Không giấu niềm vui, ông Kiều Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Phúc Thọ chia sẻ: "Phúc Thọ trước kia rất khó khăn, trường, lớp chỉ là những dãy nhà cấp 4 bị xuống cấp trầm trọng, nhiều trường, học sinh phải đi học nhờ. Mừng là từ khi sáp nhập về Hà Nội, được sự quan tâm đầu tư của thành phố, cơ sở vật chất, trường lớp trên địa bàn huyện đã được nâng cấp, xây mới với những khu nhà 2 - 3 tầng khang trang. Chúng tôi đã "thanh toán" hết cảnh học nhờ".

Quyết liệt trong xây dựng trường chuẩn - Ảnh 1

Một phòng học của trường Tiểu học Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: Trung Đức

Hiện huyện có 101 cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập với 1.186 nhóm lớp, 38.674 học sinh các cấp và trên 2.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Dù nằm ở khu vực ngoại thành, song 100% các trường mầm non tổ chức ăn bán trú cho trẻ. Đây là một cố gắng lớn của ngành giáo dục ở một huyện còn nhiều khó khăn như Phúc Thọ. Cấp tiểu học cũng được ưu tiên mọi mặt, đặc biệt là khối lớp 1 để đảm bảo chất lượng giáo dục ngay từ buổi ban đầu của trẻ. 20/24 trường tiểu học của huyện đã thực hiện dạy 2 buổi/ngày như các trường trong nội thành… Hệ thống giáo dục thường xuyên (GDTX) được chú trọng xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân do vậy huyện đã có 23/23 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.

Bên cạnh đó, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS của huyện cũng thường xuyên được học các chuyên đề để bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Hiện tại, 100% giáo viên ở huyện có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn.

Thiếu kinh phí xây dựng trường chuẩn

Ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, việc thanh kiểm tra thu chi, dạy thêm, học thêm đầu năm học đã được phòng giáo dục huyện Phúc Thọ chỉ đạo quyết liệt. Ông Kiều Tuấn cho hay, ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã về kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy chế chuyên môn và các khoản thu ngoài học phí của một số trường mầm non, tiểu học và THCS: "Sau khi kiểm tra, Sở đã đánh giá cao sự nghiêm túc thực hiện quy chế chuyên môn, chất lượng giảng dạy và việc thực hiện tốt, đúng quy định các khoản thu ngoài học phí của các trường trên địa bàn huyện". Ông Tuấn cũng tự tin khẳng định, không có trường nào tổ chức học thêm: "Phòng Giáo dục huyện đã yêu cầu các trường ký cam kết không thực hiện dạy thêm, học thêm ngay từ đầu năm học đến từng giáo viên".

Tuy nhiên, những người làm giáo dục ở Phúc Thọ cũng còn nhiều điều phải lo toan: Đầu tư cơ sở vật chất, điều chỉnh quy mô trường lớp, sĩ số học sinh trong một lớp; phát triển cân đối các cấp học, loại hình trường, loại hình đào tạo; hoàn thành chương trình kiên cố hóa, hiện đại hóa trường lớp giai đoạn 2008 - 2012 và triển khai đề án giai đoạn 2013 - 2015. Mà khó khăn nhất là việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Theo chỉ đạo của UBND TP, đến năm 2015, huyện phải xây dựng thêm 10 trường đạt chuẩn quốc gia, bên cạnh 2 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 6 trường THCS và 1 trường THPT đã đạt chuẩn. Song kinh phí luôn là vấn đề khó đối với việc xây dựng trường chuẩn ở huyện ngoại thành. "Nếu không có nguồn hỗ trợ nào về tài chính, huyện khó hoàn thành được chỉ tiêu đề ra" - ông Tuấn thành thật.