Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012.Ảnh: TTXVN
Vẫn còn nhiều khó khăn
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2012 cho thấy, tốc độ tăng CPI tháng 10 tăng 0,85% so với tháng 9 và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước.
Mặc dù trong tháng 10 đã có sự cải thiện đáng kể nhưng các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, còn tiềm ẩn lạm phát cao quay trở lại; Tăng trưởng kinh tế chậm hơn mục tiêu đề ra.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn của thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề xuất Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp cùng với các bộ, ngành chức năng rà soát các dự án phát triển nhà ở, đồng thời tiếp tục tập trung vào thực hiện các giải pháp ưu tiên giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách xã hội.
|
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn lớn, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động; Sản xuất công nghiệp tăng chậm, lượng hàng tồn kho tuy giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.Một trong những nội dung các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận trong kỳ họp lần này liên quan đến tái cơ cấu tập đoàn kinh tế. Các thành viên Chính phủ đã thông qua Nghị quyết về việc phân quyền, phân cấp quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Cung cấp thêm thông tin về vấn đề này, tại buổi họp báo chiều 28/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, cả nước hiện có 21 tập đoàn kinh tế và các tổng công ty lớn. Vừa qua, Chính phủ đã quyết định cho dừng thí điểm 2 tập đoàn được hình thành trên cơ sở sáp nhập các tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng trước đây. Sắp tới sẽ chỉ còn dưới 10 tập đoàn, tổng công ty mà Thủ tướng có trách nhiệm quản lý. Những tập đoàn, tổng công ty còn lại sẽ được giao quyền cho các Bộ trưởng chịu trách nhiệm quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tìm giải pháp cho bài toán nợ xấu, các thành viên Chính phủ thống nhất việc cần quyết liệt hơn trong việc tìm các xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại. Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đó là Đề án tổng thể về xử lý nợ xấu cần sớm hoàn thiện, trên cơ sở đó Ngân hàng Nhà nước kiên quyết chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống ngân hàng; công khai, minh bạch trong hoạt động tái cơ cấu ngân hàng, đồng thời quản lý chặt chẽ thị trường vàng; công khai, minh bạch trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến vàng, việc phát triển thị trường vàng.
Quyết tâm mục tiêu giữ lạm phát dưới 8%
Thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tín dụng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát; tăng cường công tác quản lý thu chi ngân sách; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; giữ mức bội chi ngân sách theo kế hoạch đã đề ra... Đó là những giải pháp được đề cập đến trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2012.
Chính phủ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Huy Hùng
Cùng với những giải pháp trên, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia... Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, với việc thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cần hết sức lưu ý tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2012 ở mức hợp lý. Theo đó, phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là tiếp tục xây dựng các phương án, chính sách phù hợp để hỗ trợ tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp nhất là hàng vật liệu xây dựng…
Trả lời báo chí về công tác quản lý vàng và thương hiệu vàng miếng SJC, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, không có chuyện độc quyền doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh vàng. Thời gian tới, Nhà nước sẽ lựa chọn thương hiệu vàng SJC để tổ chức sản xuất vàng miếng. Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện thương hiệu SJC đang chiếm khoảng trên 90% thị trường vàng miếng cả nước. Thời gian tới, thương hiệu vàng miếng này sẽ thuộc về Nhà nước và do Ngân hàng Nhà nước trực tiếp sản xuất. SJC sẽ không được sản xuất vàng miếng nữa mà chỉ là đơn vị gia công cho Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực phối hợp với SJC để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm việc làm giả thương hiệu vàng SJC. Ông Huy cũng khẳng định, tất cả các thương hiệu vàng miếng khác được cấp phép sản xuất thì đều được lưu thông trên thị trường. |