Theo thông tin từ Người Phát ngôn Nhà Trắng, trong chuyến đi từ ngày 2 - 9/9, Tổng thống Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc) và có cuộc gặp riêng với ông Tập Cận Bình. Sau đó, ông Obama tiếp tục có cuộc gặp song phương với Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith... Ông Obama sẽ nỗ lực tận dụng chuyến thăm châu Á cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ để tiếp tục kiến tạo các quan hệ hợp tác với các quốc gia trong khu vực, nhằm giảm bớt “cái bóng” của Trung Quốc lên khu vực, đặc biệt là Lào. Một quan chức quốc phòng tại Washington không bình luận về các vấn đề chiến lược lớn nhưng mô tả Lào như là "một đối tác quan trọng”. Tại Lào, ảnh hưởng kinh tế từ người láng giềng khổng lồ là không thể chối cãi. Bắc Kinh đã tập trung đầu tư nhiều đường cao tốc mới xuyên qua các khu vực miền núi hoang sơ tại miền Bắc Lào, vốn đầu tư của Trung Quốc cũng được đổ vào ngành khai khoáng, xây dựng, nông nghiệp và thủy điện. Đến cuối năm 2013, tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Lào đã vượt 5 tỷ USD.
Trong chuyến thăm này, ông Obama sẽ đi cùng gần 10 DN lớn để tăng cường đầu tư vào Lào, quốc gia có dân số chỉ khoảng 7 triệu người và vẫn còn “đang say ngủ”. Động thái này được cho là sẽ hỗ trợ Vientiane độc lập hơn với nước láng giềng về mặt kinh tế, từ đó có tiếng nói rõ rệt trong các diễn đàn khu vực. Hồi tháng 4 năm nay, thế hệ lãnh đạo mới đã được bầu ra, có chính sách liên kết chặt chẽ với các nước Đông Nam Á hơn là Bắc Kinh như thế hệ tiền nhiệm. Điều này đã được các nhà phân tích chính sách chỉ ra và nhận định Lào đã sẵn sàng hợp tác với Washington nhiều hơn là với Bắc Kinh. Thứ nhất, dự án đường sắt trị giá 7 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư đang được cho là tạm hoãn do một số điều khoản của thỏa thuận không thực sự khiến Lào hài lòng. Thứ hai, tại 2 trong số các cuộc họp vừa qua của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Vientiane đã đưa ra một lập trường rõ ràng hơn về một số vấn đề khu vực quan tâm như Biển Đông. Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng tiếng nói ủng hộ việc thực thi luật pháp quốc tế trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ông Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, nơi lãnh đạo các quốc gia tìm cách đối phó với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển. Tăng cường hợp tác đầu tiên ở lĩnh vực kinh tế, các nhà ngoại giao đánh giá, chuyến thăm là nỗ lực thúc đẩy cuối cùng trong vai trò Tổng thống Mỹ của ông Obama đối với đối sách ngoại giao “tái cân bằng” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm ứng phó với sự cứng rắn áp đặt ảnh hưởng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một chuyến công du nước ngoài. |