Rà soát kỹ phương thức bố trí vốn với dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/6, Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)”.

Đề nghị có phương án hỗ trợ vốn cho địa phương

Đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết của Dự án và cho rằng đây là đoạn đường có ý nghĩa quan trọng trong kết nối đường cao tốc, kết nối huyết mạch vùng Tây và Đông Nam Bộ, đáp ứng sự mong mỏi của đồng bào, cử tri. Đại biểu cũng cho rằng cần quan tâm đến bố trí nguồn vốn, cải cách thủ tục hành chính cho dự án...

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 17/6 - Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 17/6 - Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu cũng đề nghị việc thu hồi đất, đền bù hỗ trợ tái định cư cần công khai, minh bạch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các địa phương, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân. Việc triển khai các chính sách đặc thù phải tiết kiệm, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Việc phân cấp cho địa phương cần bảo đảm khả năng thực hiện, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của Bộ Giao thông - Vận tải các bộ ngành,  các địa phương trong quá trình thực hiện dự án.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, đoạn đường Chơn Thành – Đức Hòa hiện chỉ quy hoạch xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, cần nghiên cứu, xem xét nâng cấp đoạn đường này cùng tuyến 4 làn xe như đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành. Theo quy hoạch, đường sẽ có 6 làn xe, tuy nhiên theo kế hoạch trước mắt, chúng ta sẽ xây dựng 4 làn xe do điều kiện còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư, 2 làn xe còn lại sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng, phân kỳ để đầu tư tiếp khi có điều kiện.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp)
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp)

Về tác động của dự án tới đường giao thông BOT, đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết, theo báo cáo, hiện đã có 2 đường hiện hữu thực hiện BOT, giờ tiếp tục thực hiện theo phương thức BOT thì sẽ dẫn đến bất cập, gây ảnh hưởng đến 2 đường BOT đã hiện hữu. Do vậy, Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải cần nghiên cứu để bảo đảm công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư.

Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Đoàn tỉnh Bình Phước) đề xuất, trong bối cảnh nhiều dự án đường bộ cao tốc đang gặp khó khăn trong triển khai, thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường... đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm để có phương án hỗ trợ cho địa phương.

Cần tính toán lại tổng mức đầu tư phù hợp

Quan tâm tới nguồn vốn đầu tư dự án, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) để nghị xem xét lại lãi suất vay 10,7% với tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 để phù hợp với quy định lãi suất vay hiện hành.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc)
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc)

Về tiến độ thực hiện, đại biểu Trần Văn Tiến đề xuất dự kiến hoàn thành dự án này vào cuối năm 2028 và khi đó cần tính toán lại tổng mức đầu tư cho phù hợp.

Cùng quan tâm tới nguồn vốn đầu tư cho dự án, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đoàn tỉnh Đồng Nai) nêu quan điểm: đối với dự án này, chúng ta cần rà soát kỹ lưỡng về tính hiệu quả của dự án, phương thức bố trí vốn. Nếu có thể được thì nên bố trí theo phương thức là vốn Trung ương và vốn của nhà đầu tư, trên cơ sở sắp xếp làm sao đảm bảo sự dẫn dắt của đầu tư công, vai trò dẫn dắt của Nhà nước… Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cũng rất cần cân nhắc về cơ chế, chính sách chỉ định thầu.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn tỉnh Quảng Nam) đề nghị có phương án dự phòng về nguồn vốn để đảm bảo tiến độ dự án; đồng thời có cơ chế, tăng cường giám sát việc triển khai dự án, đặc biệt là trong áp dụng các cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn tỉnh Quảng Nam)
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn tỉnh Quảng Nam)

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết: về tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, đây là dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh, phần vốn Nhà nước hỗ trợ tham gia là 50%, sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này. Quá trình tính toán cho thấy, đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, phù hợp với các nhà đầu tư, cũng được các ngân hàng đánh giá cao.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thường các dự án dễ gặp khó khăn khi nguồn vốn huy động từ các ngân hàng để đầu tư cho các dự án BOT chủ yếu là huy động ngắn hạn, trung và dài hạn thì tối đa là 5 năm. Với một dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 18 đến 20 năm như dự án này, nhà đầu tư sẽ ưu tiên doanh thu để trả nợ ngân hàng, nên sẽ rất phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng

Đối với tác động của dự án đến các dự án BOT song hành trên quốc lộ 14, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía đông và một số tuyến ngang, không chỉ có 2 dự án BOT bị ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng đến các dự án khác.

"Tác động này đã được Chính phủ lường trước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông -  Vận tải trình phương án tháo gỡ, xử lý cho các dự án BOT bị ảnh hưởng, đặc biệt là do quá trình Nhà nước đầu tư các dự án BOT đường cao tốc Bắc Nam phía đông và các trục ngang, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)" - Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải nêu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, sau khi dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đi vào hoạt động, sẽ có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng tới các dự án khác để có đề xuất cụ thể, có thể là kéo dài thời gian thu phí, hoặc bổ sung một phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các dự án bị ảnh hưởng.

Về tiến độ của dự án, Bộ trưởng cho biết thời điểm triển khai của dự án đang có thuận lợi khi đã có kinh nghiệm triển khai hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc. Thời gian triển khai xây dựng được tính toán dựa trên kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2. Dự kiến tiến độ là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được.