Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rà soát trường học xuống cấp, đảm bảo an toàn cho học sinh

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT về kết quả công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ trong tâm của ngành năm 2018.

Báo cáo tại buổi làm việc, Sở GD&ĐT cho biết, hiện toàn TP có 2.641 trường học từ mầm non đến THPT, trong đó có 2.155 trường công lập với 1.869.113 học sinh và 107.836 giáo viên, giai đoạn 2012 – 2017 tăng 398.729 học sinh và tăng 22.926 giáo viên. Năm 2017, ngành đã tập trung giải quyết tình trạng thiếu trường học, lớp học ở khu vực các quận nội đô, có mật độ dân số tập trung cao.
Năm học 2016 – 2017, triển khai xây dựng 33 trường học tại các địa bàn còn thiếu trường. Năm 2017, tổng số trường được kiểm tra thẩm định công nhận trường chuẩn quốc gia (CQG) là 130 trường đạt 162,5% kế hoạch, nâng tỷ lệ trường đạt CQG toàn TP lên 52%, trong đó công lập là 62%.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội chiều 8/3/2018.
Đáng chú ý. Sở GD&ĐT đã triển khai phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 từ năm học 2016 – 2017 trên toàn TP, đánh dấu sự quyết tâm trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong đổi mới quản lý, điều hành, cải cách thủ tục hành chính. Kết quả tuyển sinh các lớp đầu cấp, Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh các cấp học. Trong kỳ thi THPT quốc gia, hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì có quy mô lớn nhất cả nước với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 72.939 (trong đó có hơn 5 nghìn thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét vào đại học). Có 112 điểm thi với 3.057 phòng thi được tổ chức ở tất cả các quận, huyện, thị xã trong toàn TP, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.
Ngành đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục; mở rộng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Lần đầu tiên tại Việt Nam, Hà Nội thí điểm đào tạo chương trình song bằng (Tú tài THPT quốc gia Việt Nam và Tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A level) tại trường THPT Chu Văn An, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh hội nhập và quốc tế hóa chuẩn đào tạo THPT của TP Hà Nội. Ngoài ra, ngành cũng đã triển khai dạy chương trình Tin học quốc tế MOS, IC3 và IC3 Spark trong các trường phổ thông (hiện đang được triển khai ở 6 trường THPT và một số trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm).
Năm 2018, ngoài việc tập trung thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm, 5 nhóm giải pháp của năm học 2017 – 2018, toàn ngành chú trọng triển khai có hiệu quả, sáng tạo và đổi mới một số mặt công tác như: xây dựng và quy hoạch mạng lưới trường lớp; đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt CQG; nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo…
Đặc biệt, năm 2018, Hà Nội tiếp tục triển khai giảng dạy đại trà bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội"; xây dựng Bộ tài liệu chuyên đề “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông TP Hà Nội”. Đây được xem là 2 bộ tài liệu góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh Thủ đô; xây dựng Chương trình 04 của Thành uỷ….
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý ghi nhận những kết quả các mặt công tác năm 2017 cũng như việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2016 – 2017 của ngành GD&ĐT. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở GD&ĐT rà soát việc thiếu trường ở các địa phương. Liên quan đến những trường cần sửa chữa, nâng cấp, lãnh đạo TP yêu cầu Sở có đề xuất đối với những trường học đã xuống cấp, đảm bảo an toàn cho học sinh. Riêng với các phòng học nhờ, học tạm, phòng học cấp 4 ở các huyện, thị xã, Sở GD&ĐT thống kê cụ thể để có hướng giải quyết kịp thời. Phó Chủ tịch cũng đề nghị Sở GD&ĐT cần đánh giá lại, nêu rõ thuận lợi và khó khăn trong công tác xây dựng trường chất lượng cao và trường chuẩn quốc gia để đề xuất lên TP trình HĐND vào kỳ họp tháng 7 tới.
Đồng chí Phó Chủ tịch TP Ngô Văn Quý cũng yêu cầu Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện tốt rà soát quy hoạch trường lớp; công tác đào tạo giáo viên, thi nâng hạng đối với cán bộ, giáo viên; triển khai chương trình song bằng; lên kế hoạch tuyển sinh năm học mới; bổ sung nội dung Bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”…