Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rắc rối vì văn bản “vênh nhau”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu lùm xùm từ vài tháng gần đây, khi Tổng cục Hải quan có văn bản truy thu thuế đối với 7 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối với số tiền lên đến hơn 345 tỷ đồng, tranh cãi xung quanh việc này đến nay vẫn chưa chấm dứt.

Nguyên nhân bắt đầu từ sự “vênh nhau” của văn bản về thời điểm tính thuế của xăng dầu tạm nhập - tái xuất (TN - TX). Mặc dù vẫn nộp đủ số tiền còn thiếu theo văn bản yêu cầu, nhưng nhiều DN kinh doanh xăng dầu đầu mối bày tỏ thái độ sẽ đi tới cùng để làm rõ đúng sai.

Doanh nghiệp nói không có lỗi

Câu chuyện về truy thu thuế với xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa trở nên ồn ào từ đầu năm 2013, khi Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan truy thu gần 350 tỷ đồng thuế xăng dầu tạm nhập không tái xuất với các DN đầu mối, trong đó cao nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bị truy thu 170 tỷ đồng.

 
Petrolimex sẽ bị truy thu 170 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2012. Ảnh: Thanh Duyên
Petrolimex sẽ bị truy thu 170 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2012. Ảnh: Thanh Duyên
Theo Bộ Tài chính, các DN khai báo hải quan các lô hàng theo diện TN - TX từ đầu năm 2012 nhưng đến cuối năm vẫn còn một khối lượng lớn không được TX mà chuyển đổi mục đích sử dụng để tiêu thụ trong nước. Các lô hàng này không được miễn mà phải nộp đầy đủ số thuế nhập khẩu như hàng hóa thông thường (gồm thuế VAT, thuế nhập khẩu) thời hạn tính khi DN thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Vấn đề ở chỗ, do thuế XNK xăng dầu của nước ta thường xuyên có điều chỉnh (đầu năm 2012, thuế nhập khẩu xăng dầu chỉ dao động từ 0 - 3%, từ thời điểm giữa năm đến cuối năm mức thuế đã tăng lên 10 - 12%) nên mức thuế của thời điểm mở tờ khai cũ để TN - TX và thời điểm mở tờ khai mới để chuyển tiêu thụ nội địa có chênh lệch, dẫn đến việc các DN phải nộp bổ sung cho cả năm 2012 với con số đã nêu ở trên.
"Áp thuế vào thời điểm lô hàng được chuyển đổi mục đích sử dụng là hợp lý. Không thể tính thuế theo thời điểm nhập vào như đề xuất của DN vì thật ra họ đang lợi dụng thời điểm thuế suất nhập khẩu thấp để có lợi cho mình.  Việc này tương tự như trường hợp thanh lý tài sản của nhân viên đại sứ quán, thuế nhập khẩu được tính tại thời điểm thanh lý, thời điểm tài sản chính thức được đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ." - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Tranh cãi bắt đầu nổ ra khi Hiệp hội Xăng dầu có văn bản kiến nghị không đồng tình với con số truy thu như trên. Theo Hiệp hội này, từ trước tới nay, các DN khi chuyển tiêu thụ nội địa đều tuân thủ theo Thông tư 194/TT- BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 20/1/2011, tức không cần đăng ký tờ khai mới, chỉ cần khai và nộp thuế theo tờ khai ban đầu tạm nhập. 

Đây là lần thứ 2, cơ quan này lại gửi "khiếu nại" lên Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo Bộ Tài chính trả lại tiền thuế xăng dầu được cho là bị truy thu "oan". 

Thủ thuật tính thuế chậm

Sự tranh cãi nảy sinh ở đây là do có sự hiểu khác nhau đối với văn bản, khi Nghị định 154/2005/NĐ - CP quy định "trường hợp thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thì được thay tờ khai hải quan khác", nhưng Thông tư 194/2010/TT-BTC lại hướng dẫn "Trường hợp hàng hóa TN, nhưng không TX hết, DN đề nghị được chuyển tiêu thụ nội địa, thì phải có văn bản gửi cơ quan hải quan. Chi cục hải quan nơi làm thủ tục TN hàng giải quyết thủ tục nhập khẩu và thanh khoản tờ khai TN, không đăng ký tờ khai mới".

Mặt khác, phía các DN thắc mắc nếu áp dụng cách tính mới, thì áp dụng từ ngày văn bản có hiệu lực trở đi nhưng Bộ Tài chính lại truy thu, hồi tố toàn bộ năm 2012. "Nếu nói là hiểu sai văn bản, vậy phải sai từ đầu chứ không lẽ từ 2011 trở về trước đúng, mà 2012 lại sai?"- đại diện của Petrolimex khi đưa quan điểm về vấn này với báo chí cũng khẳng định việc làm này là không đúng nguyên tắc, cũng như các quy định của pháp luật.

 
 Mua bán tại cây xăng ở phố Nguyên Hồng. Ảnh: Linh Anh
Mua bán tại cây xăng ở phố Nguyên Hồng. Ảnh: Linh Anh.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Bộ Tài chính đã nhấn mạnh, sẽ không thể có chuyện Bộ Tài chính dùng tiền ngân sách để trả lại tiền thuế cho DN. Việc truy thu thuế này hoàn toàn là theo chỉ đạo của Chính phủ. Vào đầu tháng 7, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp đã làm việc với nhau về việc xử lý thuế đối với xăng dầu TN - TX chuyển tiêu thụ nội địa, tuy nhiên, kết quả vẫn nghiêng về việc các DN phải thực hiện nghĩa vụ thuế tại thời điểm chuyển tiêu thụ nội địa. Theo thông tin hiện nay, Bộ Tài chính sẽ kiên quyết thực hiện truy thu thuế xăng dầu, nhất là khi mới đây, lại có thêm yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, phải truy thu đủ số thuế bị thiếu đối với xăng dầu TN nhưng không TX hết, chuyển tiêu thụ nội địa. Con số truy thu không dừng lại ở 345 tỷ mà có thể lên đến 470 tỷ đồng.

Đánh giá về động thái "phản pháo" việc truy thu thuế của các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, do chính sách TN - TX đang cùng lúc tồn tại nhiều văn bản pháp lý, ngoài ra còn thiếu chặt chẽ (như chính sách gia hạn TN - TX 180 ngày như hiện nay...) nên tạo kẽ hở cho DN lợi dụng. Khi thuế nhập khẩu tăng lên, DN chỉ cần làm động tác thông báo xin chuyển lượng lớn xăng dầu TN - TX sang bán ở trong nước thì nghiễm nhiên "xơi" không phần chênh lệch thuế giữa hai thời điểm.

Cuộc tranh cãi giữa các bên còn có thể còn kéo dài, đến chừng nào các văn bản, dự thảo thông tư thay thế về thủ tục hải quan đối với xuất nhập khẩu và TN - TX xăng dầu chưa khắc phục được những bất cập này.
"Thời điểm ban hành Thông tư 194/2010/TT-BTC phù hợp với chủ trương đường lối của Nhà nước, phù hợp tình hình xã hội. Nhưng thời điểm hiện tại, để tránh phát sinh thêm các vấn đề khác, Bộ Tài chính có thể căn cứ Điều 9, Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành Thông tư 194/2010/TT-BTC." - Luật sư Vũ Xuân Tiền - Hội Luật gia Hà Nội