"Giới trẻ ngày nay sẵn sàng hy sinh danh dự của bản thân để đạt được mục đích nổi tiếng trên thế giới ảo. Đây là hệ lụy của việc giáo dục chưa tốt ở nhà trường, gia đình và một phần nguyên nhân từ việc sử dụng mạng xã hội chưa thực sự đúng đắn." - TS tâm lý Nguyễn Thị Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) "Các cơ quan quản lý như Ban Quản lý Hồ Gươm, Sở VH&TT nên tăng cường tuyên truyền và đưa ra các quy định cụ thể, xử phạt thật nghiêm đối với các hành vi vứt rác thải, giẫm đạp, phá hoại cây xanh, hoa cảnh quan Bờ Hồ. Chỉ có biện pháp xử lý nghiêm mới hạn chế dần được việc phá hoại môi trường này." - PGS.TS Hà Đình Đức "Mỗi dịp lễ Tết, Hồ Gươm lại có hàng vạn người đổ về. Số lượt người đổ về quá lớn, trong khi chúng ta lại không thể khống chế được số lượng. Hiện nay cũng chưa có cơ chế xử phạt việc xả rác bừa bãi, mà trong điều kiện đông người như thế cũng không thể xử lý nổi. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi chỉ có thể tập trung cho công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng." - Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm |
“Rác” ý thức ở nơi công cộng
Kinhtedothi - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2019, giới trẻ Hà Thành tập trung quanh khu vực Hồ Gươm tham gia chương trình Countdown chào đón năm mới.
Năm nào cũng vậy, hết sự kiện, người trẻ ra về, "bãi chiến trường" để lại cơ man là rác. Từ nửa đêm đến sáng sớm, người lao công lại nhỏ từng giọt mồ hôi trong giá rét để dọn rác. Những câu chuyện tái diễn năm này qua năm khác đang khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Nỗi niềm dọn rác trong đêm Đông Tối 31/12, dòng người rồng rắn kéo nhau ra về, giấy bìa, nilon, thức ăn thừa, chai nhựa... tràn ngập khắp các tuyến phố đi bộ. Rác đến từ khắp nơi, người ở xa xả rác sau khi ăn, người dân ở đó hất rác từ nhà ra đường… Các con phố xung quanh Hồ Gươm được ví như bàn nhậu tàn cuộc chơi. Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Hà Đình Đức, người có nhiều trăn trở với các sự việc xảy ra xung quanh Hồ Gươm cho hay, bản thân ông cảm thấy xấu hổ khi nhìn cảnh vườn hoa bị người dân chen lấn, giẫm nát hay rác thải vương vãi tứ tung quanh Bờ Hồ sau đêm Giao thừa vừa rồi. Công nhân công ty cây xanh đã rất vất vả trồng, chăm sóc các vườn hoa này, góp phần tạo cảnh quan cho hồ đẹp hơn trong dịp năm mới, vậy mà chỉ sau một đêm, với bàn chân phá hoại của những người thiếu ý thức đã làm tất cả trở thành nhếch nhách, xấu xí.
Hoa bị giẫm nát. Cành cây bị gãy đổ. Hàng chục công nhân quét rác luôn tay từ nửa đêm đến sáng… Những chuyện đã thành quen ở Hồ Gươm. Vì không chỉ có dịp nghỉ Tết Dương lịch, những ngày các tuyến phố quanh Hồ Gươm ngăn xe cơ giới mở phố đi bộ, cũng không khó để bắt gặp những hình ảnh túi nilon, vỏ hoa quả, bánh kẹo, chai lọ... của du khách đến đây vui chơi, ăn uống và tự do xả rác ra mặt đường, trên vỉa hè của các tuyến phố đi bộ nói trên. Ông Vũ Thanh Minh - sống ở phố Hàng Dầu, ngay cạnh các tuyến phố đi bộ cho biết: "Tôi đã quá quen với cảnh thùng rác lắp khắp nơi, người dân lại chọn gốc cây, vỉa hè để vứt rác. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức còn kém của một bộ phận người dân và du khách vãng lai".Vào dịp cuối tuần, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội bố trí 30 công nhân làm việc liên tục xung quanh khu vực Bờ Hồ; vớt rác hồ từ 5 giờ ngày hôm trước đến 1 giờ sáng ngày hôm sau. Dù đã có sự chuẩn bị, lên phương án tăng cường số lượng công nhân vệ sinh môi trường làm việc liên tục 5 ca/ngày đêm, cùng với sự bổ sung hàng loạt thùng rác đôi xung quanh Hồ Gươm và gắn thêm dòng chữ tuyên truyền “Hãy cho tôi xin rác” thế nhưng, nhiều người dân và du khách vẫn tiện tay xả thẳng rác xuống đường, vỉa hè. Chính vì vậy, dù lực lượng công nhân vệ sinh môi trường có căng sức ra làm cũng không xuể.
Còn những dịp lễ Tết, số lượng công nhân thu dọn rác lần đến 100 người, số thời gian làm không phải là 5 ca/ngày đêm mà thành 8 ca/ngày đêm. Nhưng Hồ Gươm vẫn là bãi chiến trường của đủ thứ túi nilon, vỏ chai nhựa, giấy vụn, của những người thiếu ý thức. Niềm vui đón năm mới khép lại, sáng mở mắt Hồ Gươm không còn yên bình, trong trẻo; mà là khung cảnh tan hoang của cỏ nát, cây hoa vị giày xéo… và cả những giọt mồ hôi, tiếng thở dốc của người công nhân sau một đêm vật lộn với rác.Chờ ngày hết cảnh “cha chung không ai khóc”?Bạn trẻ xả rác và bạn trẻ cùng công nhân dọn rác đã trở thành bức tranh hai mảng màu sau mỗi sự kiện. Năm nay, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh), nhiều nhóm bạn trẻ sau khi thưởng thức sự kiện nghệ thuật đón chào năm mới, đã thức đến 3 giờ sáng cùng các lao công cầm bao tải phân loại từng thể loại rác. Từ 1 nhóm 5 người, hành động đó đã lan tỏa cả chục bạn trẻ cùng xắn tay áo thực hiện. Đây không phải là lần đầu tiên, những nhóm trẻ thiện nguyện lan tỏa hành động đẹp đến cộng đồng xung quanh. Ở Hà Nội một vài năm trước, sau các đêm diễn Countdown cũng đã có nhiều nhóm làm việc thiện nguyện như thế. Hoặc, trong các trận đấu bóng của đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ giải AFF cup 2018 ở Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, những việc làm tử tế về việc dọn rác cũng đã lan tỏa ra cộng đồng. Nhưng người dọn không xuể với người bày. Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Sư Phạm TP Hồ Chí Minh, không thể đổ lỗi cho ban tổ chức, điều kiện khách quan mà mọi thứ phụ thuộc khá nhiều vào ý thức của mỗi người.“Có thể vì điều kiện xung quanh, môi trường hay sự lôi kéo của người khác, nhưng nếu chúng ta ý thức tốt, kiểm soát được chính mình, vấn đề cũng không đến nỗi trầm trọng” - TS Sơn nói và cho rằng, những hành động thiếu văn hóa như vậy xảy ra không ít trong cuộc sống do nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý “cha chung không ai khóc”. Những biểu hiện thiếu văn minh kéo theo hàng loạt hệ lụy xấu nếu mỗi cá nhân không biết kiểm soát chính mình. Một hành động nhỏ nhưng hậu quả có thể rất lớn. TS Huỳnh Văn Sơn khuyên giới trẻ nên nhìn xa hơn đến quá trình lao động rơi cả mồ hôi lẫn nước mắt của người lao động để kiểm soát hành vi bản thân tốt hơn. Theo ông, chắc chắn không thể tạo nên hiệu ứng toàn cục ngay lập tức nhưng sẽ bớt đi những hành vi thiếu cân nhắc, từ đó giảm hậu quả đáng buồn.Countdown ở xa Hồ GươmTrước chiến trường rác xảy ra sau các chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Dương lịch, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động chia sẻ: “Dịp Tết Dương lịch, Sở VH&TT tổ chức hơn 10 chương trình nghệ thuật trải rộng khắp các khu trung tâm của 30 quận, huyện nhưng chỉ có khu vực Hồ Gươm, Nhân dân đến đây đông nhất nên hơi quá tải và tái diễn nhiều cảnh tượng không đẹp trong ý thức nơi công cộng. Còn các khu vực khác như ở Tây Hồ, Mỹ Đình, Hà Đông vừa phải thì rất tốt”.Rất nhiều năm sau sự kiện Countdown, nhiều người cho rằng nên bố trí các điểm biểu diễn ở xa Hồ Gươm, để những hình ảnh xấu xí không diễn ra ở khu trung tâm, nơi đón nhiều du khách quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, nhiều quan niệm cho rằng, “đại tiệc” Countdown đã trở thành lễ hội được nhiều người chờ đón trong khoảnh khắc chào năm mới. Đặc biệt, đây là sân chơi mang tính hội nhập nên không thể tổ chức ở các khu xa trung tâm. Ngoài ra, ông Tô Văn Động cho rằng: “Nhân dân đến đâu thì phải phục vụ đến đó, đến đông thì có thể có chuyện giẫm đạp lên, cái đó sẽ tiếp tục làm tuyên truyền”. Theo ông Tô Văn Động, việc giẫm lên khu vực trồng hoa đã được lường trước và tất cả những giải pháp đã được tính toán, mỗi một năm việc khắc phục có tiến bộ hơn. “Còn tránh thì đương nhiên khó tránh, như vậy cũng là tiến bộ và ý thức của người dân tốt hơn rồi, chúng ta cũng đã làm nhiều việc và có bảo vệ tốt hơn” - ông Tô Văn Động bày tỏ và khẳng định sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm trong thời gian tới.Nhiều người đề xuất nên làm các hàng rào cứng, kiên cố quanh các vườn hoa để bảo vệ nhưng theo PGS.TS Hà Đình Đức, việc đó không khả thi chút nào mà còn gây ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Để giải quyết triệt để rác trong môi trường, vẫn là cách thức tuyên truyền loại bỏ “rác” trong ý thức của mỗi người dân khi tham dự sự kiện.