Tổng doanh thu phí bảo hiểm là 303,29 tỷ đồng. Nhìn lại những kết quả đạt được, ông Phùng Ngọc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, BHNN cần đẩy mạnh hơn nữa, để thực sự trở thành tấm lá chắn cho người nông dân trước những rủi ro.
Chăm sóc bò sữa tại xã Tãn Lĩnh, huyện Ba Vì.Ảnh: Việt Dũng
Kết quả quá khiêm tốn
Sau hai năm triển khai thí điểm tại 21 địa phương, bước đầu, BHNN đã đạt một số kết quả tích cực, song vẫn ở mức độ khiêm tốn. Chỉ nhìn vào những con số trên, đã thấy đối tượng tham gia BHNN chủ yếu là các hộ dân nghèo, được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí. Còn các hộ dân có mức sống khá trở lên không mặn mà với BHNN. Chính vì thế, số tiền tham gia BHNN rất ít so với nhu cầu cần được bảo hiểm và đền bù thiệt hại nếu có rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất của nông dân hiện nay. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do không ít những quy định trong BHNN còn phức tạp, chưa cụ thể, quy định về bồi thường quá phức tạp, tốn quá nhiều thời gian, sản phẩm bảo hiểm chưa hấp dẫn. Ngoài ra, nhận thức của nông dân cũng đang là rào cản lớn để việc thực hiện BHNN thành công.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, TP Hà Nội thực hiện quyết định về thí điểm BHNN và tiến hành triển khai với bò sữa tại huyện Ba Vì. "Một số hộ ở đây cho rằng, bảo hiểm cho bò sữa đối với hộ cận nghèo là 240.000 đồng/con/năm, hộ bình thường là 480.000 đồng/con/năm là khá cao nhưng mức bồi thường lại rất thấp chỉ 8 triệu đồng. Tính ra số tiền bồi thường mới đủ mua một con bê. Trong khi giá mỗi con bò sữa trên thị trường bây giờ lên đến từ 40 đến 60 triệu đồng.
Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa, song do nhiều bất cập về phí bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, mức thanh toán khi bị thiệt hại, nên chỉ có hộ được cho không phí bảo hiểm mới tham gia. Đại diện tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo thống kê sơ bộ của Sở NN& PTNT tỉnh Đồng Tháp, đến thời điểm này mới chỉ có 4.700 hộ tham gia thí điểm bảo hiểm cây lúa với diện tích khoảng 1.600ha, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng diện tích lúa ở địa phương.
Sức hấp dẫn chỉ khi có sự tin tưởng
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, BHNN là một chính sách tốt nhưng để nó thành công trên thực tế, quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của nông dân. Từ trước tới nay, nông dân sản xuất manh mún, chưa có thói quen mua bảo hiểm. Thêm vào đó, họ rất sợ việc đánh giá thiệt hại không khách quan và mất nhiều thời gian của các công ty bảo hiểm... Do vậy, họ không mặn mà với BHNN. Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) tham gia bảo hiểm và người dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Hiện trên thị trường Việt Nam mới có 3 DN bảo hiểm được phép tham gia triển hai Dự án Thí điểm BHNN là Bảo Việt, Bảo Minh và Tổng Công ty Tái Bảo hiểm Quốc gia (Vinare). Trong quá trình thực hiện, DN cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đại điện của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt kiến nghị, để đảm bảo sự thành công của chương trình BHNN, thứ nhất cần có sự tiếp tục hỗ trợ, quan tâm vào cuộc quyết liệt của Ban chỉ đạo, các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã. Thứ hai, cần thiết kế và hoàn chỉnh sản phẩm BHNN để đảm bảo lợi ích và sự phát triển bền vững của các bên. Thứ ba, nâng cao chất lượng giám định tổn thất và giải quyết bồi thường, quản lý rủi ro, tái bảo hiểm. Thứ tư, trong tương lai, cần tính đến việc thành lập quỹ BHNN nhằm đảm bảo lợi ích của các bên, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, TP nghiên cứu phương án nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách cho BHNN. Một trong những việc làm trước mắt là nâng mức hỗ trợ bồi thường đối với hộ cận nghèo để tạo sức thu hút người dân tham gia BHNN.