Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rào cản từ thiếu thông tin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Nhật Bản mong muốn đầu tư tại Việt Nam nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), song lại đang thiếu, thậm chí không có thông tin về tình hình hoạt động cũng như năng lực thực tế của các DNNVV tại Việt Nam.

Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm được đặt ra trong buổi làm việc cuối tuần qua giữa Hiệp hội DN CNHT TP Hà Nội với Đoàn công tác của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc (Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT).

Nhiều DN Việt có trình độ kỹ thuật tốt

Đó là một kết luận rút ra của ông Sakurada Yotchi - Nghiên cứu viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI) - 1 trong 2 đơn vị được JICA ủy thác tiến hành khảo sát, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về 6 ngành CNHT chủ lực của Việt Nam trong chiến lược CN hóa Việt Nam - Nhật Bản. Ông Yotchi cho biết, đoàn khảo sát đã trực tiếp làm việc với 30 công ty tại Hà Nội, 20 công ty tại TP Hồ Chí Minh cùng các địa phương lân cận, qua đó nhận thấy: Nhiều DN Việt Nam có trình độ kỹ thuật rất tốt, trong khi phía DN Nhật đang có nhu cầu lớn hợp tác với những đối tác như thế. 
Các doanh nghiệp Việt cần quảng bá thương hiệu để có thể tiếp cận các đối tác từ Nhật Bản. Trong ảnh: Sản xuất hàng tại Công ty CP Nhựa Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh
Các doanh nghiệp Việt cần quảng bá thương hiệu để có thể tiếp cận các đối tác từ Nhật Bản. Trong ảnh: Sản xuất hàng tại Công ty CP Nhựa Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh
Mặc dù vậy, một rào cản lớn chính là các thông tin về những DN tốt của Việt Nam không đến được với DN Nhật. Câu hỏi đặt ra là, liệu có phải Việt Nam chưa có danh bạ về các DN, nhất là DNNVV? Theo ông Yotchi, thực tế các cơ quan chức năng tại Việt Nam đã và đang xây dựng những danh bạ về DN. Nhưng nói đúng ra, các danh bạ này chưa hoàn toàn đầy đủ, đáp ứng hết nhu cầu cụ thể của các DN Nhật. Vậy nên dễ hiểu tại sao khi đại diện Công ty An Huy - một DN tại Hà Nội chuyên sản xuất sản phẩm thủy lực đặt câu hỏi sẽ cung cấp được mặt hàng nào mà phía Nhật đang cần nhất, đại diện MRI thẳng thắn nói rằng chưa thể có câu trả lời vì "các DN Nhật Bản không có thông tin, không hề biết các DN Việt Nam, trong đó có An Huy, đang có năng lực sản xuất như thế nào!". 

Nghiên cứu viên cấp cao của MRI cũng chia sẻ, có xu hướng nhiều công ty Nhật Bản đang đầu tư ở Trung Quốc bắt đầu chuyển dần cơ sở sản xuất sang Bangladesh và Việt Nam, với một lý do là chi phí sản xuất thấp hơn.

Cần chủ động cung cấp thông tin

Nhằm tăng cường hợp tác đầu tư giữa các DN Việt Nam và Nhật Bản trong các ngành CN chiến lược, Bộ KH&ĐT phối hợp với JICA thực hiện khảo sát, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về 6 ngành CNHT chủ lực của Việt Nam gồm: Điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, bổ sung thêm ngành dệt may. Thông tin thu được sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, tăng cường liên kết hợp tác giữa DN 2 nước. Cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 3/2014 - 1/2015.
Sản xuất linh kiện tại Công ty CP Xích Líp Đông Anh. Ảnh: Quỳnh Linh
Sản xuất linh kiện tại Công ty CP Xích Líp Đông Anh. Ảnh: Quỳnh Linh
Bà Đỗ Thị Quỳnh Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc (Cục Đầu tư nước ngoài) cho biết: Cuộc khảo sát đặt kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu của trên 500 DN để lập danh bạ, trong đó tập trung vào những DN có nhu cầu hợp tác với Nhật Bản. Mục tiêu đến hết tháng 12/2014 sẽ hoàn thành, song đến nay, cơ quan này mới tập hợp được thông tin của khoảng 100 DN. 

Trước nhu cầu lớn của các DN FDI mà nhất là phía Nhật Bản,  ông Sakurada Yotchi đưa ra lời khuyên: "Các DN Việt Nam nên chủ động quảng bá thương hiệu đến các DN Nhật. Trong kinh doanh, giá thành quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng là yếu tố quan trọng nhất. Tôi muốn nói rằng, dù giá thành có cao hơn các công ty khác một chút nhưng nếu các bạn có bí quyết công nghệ tốt, hãy tăng cường quảng bá điểm mạnh đó, hãy cho nhiều người biết về những giá trị thặng dư cao mà công ty có thể tạo ra. Chính điều đó sẽ giúp tăng giá trị hình ảnh của DN Việt Nam trong mắt DN Nhật Bản".

 
"Thực tế tại Việt Nam, năm 2012 Thủ tướng mới ban hành quyết định về chính sách phát triển CNHT, trong khi Nhật Bản phải mất vài chục năm để có được ngành CNHT. Bên cạnh đó, cùng với những cơ hội đang có nhiều yếu tố khó khăn khách quan từ các hiệp định thương mại tự do khiến không ít DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam đang cân nhắc chuyển cơ sở sản xuất sang Malaysia, Thái Lan... Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tăng tốc để thực hiện mục tiêu, trong đó rất cần việc quảng bá mạnh mẽ các thế mạnh của bản thân cộng đồng DN." - Ông Sakurada Yotchi - Nghiên cứu viên cao cấp của MRI