KTĐT - Theo PGS- BS Nguyễn Thị Nhung - nguyên GĐ BV phụ sản Hùng Vương TPHCM thì vi rút HPV (Human Papillomavirus) là thủ phạm gây ra căn bệnh này và nó rất dễ lây lan. "Hầu hết phụ nữ đều có nguy cơ nhiễm vi rút HPV. Trung bình cứ 10 phụ nữ thì có đến 8 người có thể nhiễm HPV một lần trong đời"- bác sĩ Nhung cảnh báo.
Cứ hơn 2 giờ có một phụ nữ ở Việt Nam tử vong vì căn bệnh ung thư cổ tử cung. Thủ phạm của căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam này là virus HPV. Tình hình có thể thay đổi nếu chị em phát hiện bệnh và điều trị sớm hoặc dự phòng ngay từ khi còn trẻ.
Mù bệnh
Theo GS- BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết- Sinh sản TPHCM, thống kê hằng năm cho thấy có 6.224 phụ nữ Việt Nam mắc mới căn bệnh này và 3.334 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên không ít trường hợp trong số đó phát hiện và điều trị bệnh trong tình trạng quá muộn, khi bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Đã có không ít bệnh nhân bị sốc nặng khi biết mình mắc căn bệnh này lúc còn quá trẻ. "Có nhiều phụ nữ phát hiện bệnh khi đã muộn định tìm đến cái chết. Và hầu hết chị em đều mù thông tin về bệnh nên cứ nhầm tưởng những triệu chứng của ung thư cổ tử cung là một bệnh đơn giản khác"- Bác sĩ Phượng cho biết.
Nguyễn Thị H., 46 tuổi ở Phú Quốc khi phát hiện mình mắc bệnh thì ung thư đã chuyển sang giai đoạn 2. "Mấy tháng trước em thấy mình ra huyết trắng thường xuyên, tần suất và lượng ra ngày một tăng, nên chồng đưa đi khám mới phát hiện bệnh"- chị H. nói. Quá sốc khi nghe vợ bị ung thư, chồng chị H. ngã quỵ vì lên cơn nhồi máu cơ tim ngay tại BV Ung bướu TPHCM.
Thủ phạm mang tên HPV
Theo PGS- BS Nguyễn Thị Nhung - nguyên GĐ BV phụ sản Hùng Vương TPHCM thì vi rút HPV (Human Papillomavirus) là thủ phạm gây ra căn bệnh này và nó rất dễ lây lan. "Hầu hết phụ nữ đều có nguy cơ nhiễm vi rút HPV. Trung bình cứ 10 phụ nữ thì có đến 8 người có thể nhiễm HPV một lần trong đời"- bác sĩ Nhung cảnh báo.
Theo bác sĩ Vũ Thị Nhung, mặc dù các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này đã được triển khai tại Việt Nam trong những năm qua, tuy nhiên tỉ lệ chị em phụ nữ thực hiện khám tầm soát định kỳ bằng phết tế bào âm đạo còn thấp ở mức dưới 5% tổng số phụ nữ 18-69 tuổi và số người biết đến chủng ngừa HPV còn rất ít.
Làm thế nào để phòng tránh?
Theo bác sĩ Phượng, hầu hết người nhiễm HPV sinh dục qua lây truyền và không có triệu chứng. Chủng ngừa bằng vắc xin ngừa HPV - vi rút gây ung thư cổ tử cung, ngừa 2 type HPV 16, 18 là giải pháp hữu hiệu nhất, giúp làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung đến 94%, so với việc không áp dụng biện pháp phòng ngừa nào.
Ngoài ra để ngăn ngừa nên phát hiện sớm những thay đổi bất thường của tế bào, qua xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung.
Theo bác sĩ Nhung, một khảo sát về nhận thức của cán bộ y tế và người dân về chủng ngừa ung thư cổ tử cung được tiến hành trên 1.500 phụ nữ tại một số nước châu Á gần đây cho thấy phần lớn phụ nữ vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung hoặc làm thế nào để tự bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh này.
Phụ nữ trông chờ vào nhân viên y tế để giúp họ hiểu hơn về những nguy cơ ung thư cổ tử cung và chủng ngừa HPV nhằm giúp họ quyết định thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho bản thân và con gái, do đó các nhân viên y tế cần chủ động hơn trong việc tư vấn cho phụ nữ về vấn đề này.
Hiện có khoảng 100 type HPV đã được xác định. Trong đó khoảng 15 type được xác định gây ung thư cổ tử cung. Riêng 2 type 16 và 18 đã là nguyên nhân gây ra khoảng 70% các ca ung thư cổ tử cung trên toàn cầu, và tuýp 45, 31,33 là ba tuýp gây ung thư cổ tử cung phổ biến. Về cơ chế lây truyền, bác sĩ Phương cho biết HPV không lây truyền qua tinh dịch hay các dịch tiết của cơ thể, mà qua đường tiếp xúc da với da, quan hệ tình dục không an toàn, bằng miệng... |