Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rau quả an toàn lên sàn giao dịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe từ việc sử dụng rau quả mất an toàn khiến người dân Thủ đô lo lắng, bất an.

Vì thế, việc thành lập và đưa vào sử dụng Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội được coi là một giải pháp hữu hiệu, nhằm giải quyết nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch và tạo chuỗi kết nối vững chắc giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Người dân “khát” rau sạch

Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 12.042ha sản xuất rau, tập trung ở 22 quận, huyện, thị xã với 40 loại rau, củ, quả khác nhau, sản lượng ước đạt 570.000 tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu rau xanh của TP khoảng 2.600 tấn/ngày, tương đương với 950.000 tấn/năm. Vì vậy, TP mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu rau xanh của người dân Hà Nội, còn lại 40% là lượng rau từ các địa phương khác nhập về.
Người dân mua rau an toàn tại điểm giao dịch 123 Hồ Tùng Mậu          Ảnh: Chiêm Khổng
Người dân mua rau an toàn tại điểm giao dịch 123 Hồ Tùng Mậu Ảnh: Chiêm Khổng
Tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, rau an toàn (RAT) chưa có phân khu riêng, việc đưa RAT vào tiêu thụ còn gặp nhiều hạn chế. Công tác quản lý chất lượng thực phẩm nói chung và các sản phẩm rau nói riêng còn nhiều thiếu sót. Lượng RAT bán tại các chợ chưa có sự khai báo rõ ràng từ phía người cung cấp nên người tiêu dùng còn gặp khó trong việc phân biệt rau sạch với rau không đảm bảo chất lượng.
Thực hiện chủ trương lớn "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội" của Thành ủy và UBND TP Hà Nội, SGDRQ&TPAT Hà Nội đã phối hợp với UBND các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Giang… đưa các sản phẩm rau quả đặc sản an toàn về Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn của người dân Thủ đô cũng như giúp phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc.
Khảo sát tại một số điểm bán RAT trên địa bàn Cầu Giấy, Từ Liêm, Đống Đa, RAT có giá cao hơn rau thường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Hầu hết các điểm bán RAT đều khá chạy hàng, tuy nhiên lượng rau bán ra chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chị Vũ Thị Hồng Hà (số nhà 22/28/117 Xuân Đỉnh, Từ Liêm) cho biết, gia đình chị thường xuyên tìm mua RAT cho bữa ăn hàng ngày nhưng các điểm bán RAT rất ít, lại khá xa nhà nên việc mua và sử dụng gặp nhiều khó khăn. Chị đành mua rau xanh tại chợ gần nhà nhưng chưa thực sự yên tâm về chất lượng.

Quy trình giám sát chặt chẽ

Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng cũng như những khó khăn của nhà sản xuất khi đưa rau sạch ra thị trường, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Công ty VietXan xây dựng và đưa vào vận hành Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn (SGDRQ&TPAT) Hà Nội theo mô hình hợp tác công - tư. Hoạt động của sàn dựa trên mối quan hệ giữa thành viên cung cấp, thành viên tiêu dùng và nhóm thành viên hỗ trợ giao dịch, vận chuyển. TP hỗ trợ kiểm tra, giám sát, quản lý, giới thiệu sản phẩm của các HTX để họ đủ điều kiện lên Sàn Giao dịch; hỗ trợ các HTX RAT phí giao dịch lên sàn là 3 triệu đồng/HTX/tháng.

Ông Nguyễn Thành Lưu - Tổng Giám đốc SGDRQ&TPAT Hà Nội cho biết, các đơn vị cung cấp RAT khi tham gia giao dịch sàn phải đạt chuẩn do ngành nông nghiệp Hà Nội kiểm tra, xác nhận an toàn giá trị thực. Đến nay, Sàn giao dịch đã tiếp nhận và đưa lên sàn sản phẩm của gần 100 nhà cung cấp rau và thực phẩm an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận; hơn 300 nhóm mua đã tham gia giao dịch sàn. Ông Nguyễn Thành Lưu khẳng định, khách hàng khi đặt mua các sản phẩm trên sàn hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng, nguồn gốc rau, thực phẩm, bởi quy trình giám sát, kiểm tra chặt chẽ của Sở NN&PTNT Hà Nội và các bước truy xuất nguồn gốc của Sàn. Đây cũng là lần đầu tiên, tại Việt Nam, bộ chỉ số thị trường giao dịch an toàn - HAFOOD Index được đưa vào sử dụng. Bộ gồm 2 chỉ số phụ là HAVI (dành cho rau, củ, quả) và HAMI (dành cho thịt, cá, trứng) thể hiện giá và lượng giao dịch thực phẩm trong một tuần.

Ông Nguyễn Thành Lưu cho biết thêm, hiện trung bình mỗi ngày, Sàn giao dịch cung cấp khoảng 3,5 tấn rau sạch cho người dân Thủ đô. Con số này so với nhu cầu thực là rất thấp. Mổ xẻ nguyên nhân, ông khẳng định Sàn giao dịch mới chỉ vươn tới 78 điểm bán RAT, một số siêu thị, cửa hàng chưa tiếp cận được các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Trong thời gian tới, Sàn giao dịch sẽ tăng cường tập huấn, tổ chức hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các nhà cung cấp, kết nối tiêu thụ tới các khách hàng; thành lập mạng lưới đối tác kinh doanh thực phẩm sạch nhằm mở rộng, tạo sự tin tưởng với các “thượng đế” về chất lượng sản phẩm. Sàn giao dịch còn mở rộng thêm chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phát triển liên kết 2 sàn tạo sự bền vững.