Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rau thủy canh trên đất trũng

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ vùng đất trũng thấp trước đây khai thác lò gạch để không trong nhiều năm, anh Hoàng Quốc Chiến cùng một số nông dân ở xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) đã thuê khoán của chính quyền địa phương để đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng rau thủy canh.

Năm 2017, anh Hoàng Quốc Chiến cùng các đồng nghiệp đã góp vốn, mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng nông trang sản xuất rau thủy canh rộng khoảng 2.000m2. Lựa chọn được xem là khá mạo hiểm, do trên địa bàn Hà Nội thực tế chưa có nhiều mô hình rau thủy canh thành công. Anh Chiến cho hay, nhóm đã đi khắp nơi để học hỏi kỹ thuật trồng rau thủy canh, đặc biệt là tiếp thu mô hình từ Israel.
 Công nhân chăm sóc rau thủy canh.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, trồng rau thủy canh còn cho sản phẩm an toàn do gần như không phải xử lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Thậm chí, rau thủy canh có thể được… ăn ngay tại vườn. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ cao cũng giúp nông trang tiết kiệm được chi phí nhân công. Hiện, khu vườn rộng 2.000m2, với nhiều công đoạn chăm sóc, thu hoạch nhưng chỉ cần 4 lao động. Mỗi nhân công được trả khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Anh Chiến cho biết, nông trang công nghệ cao hiện cho sản lượng khoảng 3 tấn rau thủy canh/tháng, giá bán hiện khoảng 35.000 đồng/kg. Cùng với áp dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, anh Chiến còn đặc biệt chú trọng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, giúp ổn định đầu ra, tránh được bài toán “được mùa mất giá” vẫn còn khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Theo anh Chiến, hiện nay sản phẩm của đơn vị làm ra chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Do đó, anh đang ấp ủ ý định mở rộng thêm diện tích canh tác. “Địa phương đã tạo điều kiện về quỹ đất. Chúng tôi đang cố gắng hoàn tất một số thủ tục để mở rộng khu canh tác rau thủy canh” - anh Chiến cho hay.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân cho biết, mô hình trồng rau thủy canh của anh Chiến là một trong gần 20 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà địa phương đã xây dựng được. Những mô hình dù có quy mô còn nhỏ nhưng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế dành cho các tập thể, cá nhân, trong đó sẽ ưu tiên những mô hình ứng dụng công nghệ cao có tính lan tỏa.